Suy thận cấp là tình trạng thận bị suy giảm khả năng loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Tùy từng giai đoạn mà bệnh có những triệu chứng khác nhau.
Mỗi giai đoạn bệnh suy thận cấp sẽ có những triệu chứng khác nhau
Contents
Suy thận cấp là gì?
Suy thận cấp tính hay còn gọi là suy thận cấp, là tình trạng thận bị suy giảm khả năng loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể, không thể thực hiện chức năng cân bằng nước và điện giải. Thông thường, thận loại thải chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách tạo ra nước tiểu. Khi thận suy yếu, chất thải tồn đọng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình bài tiết của cơ thể. Suy thận cấp tính có thể diễn ra rất nhanh, chỉ sau một vài giờ hoặc vài ngày.
Có những loại suy thận nào?
Có 3 loại suy thận mà các y sĩ đa khoa Sài Gòn thường thấy đó là:
- Suy thận cấp do nguyên nhân trước thận chiếm 70% nguyên nhân gây suy thận cấp. Đây là các nguyên nhân làm giảm dòng máu tới thận, làm giảm áp lực lọc cầu thận như: mất nước, mất máu, hạ huyết áp, suy tim, đái tháo đường, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết…
- Suy thận cấp do nguyên nhân tại thận còn gọi là suy thận cấp có tổn thương thực thể gồm: Hoại tử ống thận cấp, viêm cầu thận cấp, viêm thận – bể thận cấp, viêm kẽ thận cấp, bệnh mạch máu thận, hội chứng gan – thận, bệnh thận trong thai sản, bệnh miễn dịch (miễn cầu thận cấp), bệnh hệ thống (lupus ban đỏ hệ thống), bệnh đái tháo đường, nhiễm độc (Penicilamin, kim loại nặng), hoại tử do thuốc, hóa chất (amphotericin B, aminosid), mật cá trắm, thiếu máu do phẫu thuật, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chống viêm không steroid, cyclosporin, tăng huyết áp, tăng calci máu, tăng acid uric máu, hạ kali máu, …
- Suy thận cấp do nguyên nhân sau thận do bị tắc nghẽn vì sỏi tiết niệu, sỏi oxalat, u tuyến tiền liệt, u bàng quang, bị thắt nhầm niệu quản khi mổ, u buồng trứng…
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ những thông tin về bệnh suy thận cấp
Triệu chứng thường gặp của bệnh suy thận cấp
Suy thận cấp gồm 4 giai đoạn: khởi đầu, thiểu niệu-vô niệu, đi tiểu trở lại, cuối cùng là phục hồi. Cũng tùy theo từng giai đoạn khác nhau mà có các triệu chứng lâm sàng khác nhau. Nhưng triệu chứng chủ yếu vẫn là thiểu niệu – vô niệu.
Giai đoạn khởi đầu là giai đoạn các tác nhân gây bệnh tấn công gây tình trạng vô niệu. Tùy từng nguyên nhân mà bệnh lý ở mỗi giai đoạn dài ngắn khác nhau. Đối với những bệnh nhân có thận bị nhiễm độc thì tình trạng vô niệu có thể xảy ra trong vòng 24 giờ đầu. Đối với những bệnh nhân sốc sẽ có tình trạng thiếu niệu khi huyết áp tâm thu giảm xuống dưới mức 70mmHg
Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu là giai đoạn phát bệnh.Bác sĩ Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn cho biết thời gian xuất hiện tình trạng vô niệu có thể kéo dài khoảng 1-2 ngày cho đến vài tuần. Triệu chứng trong giai đoạn này chú yếu là lượng nước tiểu giảm. Đối với tình trạng vô niệu hoàn toàn và kéo dài thì nguyên nhân có thể do sỏi cản trở. Còn tình trạng vô niệu kéo dài nhiều ngày cũng có thể do viêm cầu thận cấp, hoại tử vỏ thận cấp khi không có sỏi cản trở. Nitơ phi protein máu tăng dẫn đến hội chứng ure máu cao trên lâm sàng như khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, có thể hôn mê. Rối loạn cân bằng nước, điện giải có biểu hiện là phù, phù nhiều có thể dẫn tới suy tim, phù phổi cấp, phù não. Kali máu tăng cao gây rối loạn về dẫn truyền và trương lực thường là nguyên nhân dẫn đến tử vong của bệnh nhân. Biểu hiện là nhịp tim tăng, loạn nhịp có thể ngừng tim, yếu cơ, liệt cơ. Toan máu chuyển hóa, tăng huyết áp vừa, nước tiểu có bạch cầu, hồng cầu, trụ hạt tùy trường hợp.
Giai đoạn đi tiểu trở lại lượng nước tiểu tăng dần trên 2l/ngày có khi trên 4-5l/ngày kéo dài khoảng 5-10 ngày gây mất nước và mất điện giải
Giai đoạn hồi phục đối với bệnh nhân suy thận cấp có hoại tử ống thận đơn thuần, ít biến chứng thì trung bình sau một tháng lượng urê máu, creatinin máu giảm và trở lại bình thường. Sức khỏe của người bệnh dần dần được hồi phục, trở lại cuộc sống bình thường. Tùy từng nguyên nhân mà giai đoạn phục hồi nhanh hay chậm, trung bình kéo dài 6 tháng đến 1 năm.
Có cách nào điều trị suy thận cấp không?
Hiện nay chưa có thuốc đặc trị để điều trị căn bệnh suy thận cấp, do quan trọng là điều trị là loại bỏ nguyên nhân, duy trì sự sống của người bệnh cho đến khi chức năng thận tự phục hồi. Điều trị tùy vào từng giai đoạn nhưng chú trọng nhất là giai đoạn thiểu niệu – vô niệu. Người bệnh nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế đồ ăn có muối và đồ ăn mặn, không lạm dụng dụng thuốc Tây đặc biệt các thuốc như thuốc cao huyết áp, thuốc lợi tiểu, tập luyện thể dục mỗi ngày để năng cao sức đề kháng, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để nắm bắt được tình hình tiến triển của bệnh.