Dự Thảo Luật Khám Chữa Bệnh Mới Sẽ Cấm Bác Sĩ Bệnh Viện Công Mở Cơ Sở Khám Chữa Bệnh Tư?

“Cấm bác sĩ bệnh viện công mở cơ sở khám chữa bệnh tư” là một trong những nội dung nổi bật được đề cập tại Dự thảo Luật khám chữa bệnh sửa đổi, dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/01/2021

Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi (Hình minh họa)
Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi (Hình minh họa)

Dự thảo Luật khám chữa bệnh mới quy định rõ, người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

Theo ban pháp chế Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, nếu được Quốc hội thông qua thì lần đầu tiên quy định này được nâng lên Luật, có tính pháp lý cao và ý nghĩa thực tiễn lớn nhằm tránh trường hợp một bác sĩ đang làm việc trong bệnh viện nhà nước mà tham gia quản lý bệnh viện tư nhân sẽ dẫn tới sao nhãng, phân tâm đối với công việc khám, chữa bệnh đang làm tại các bệnh viện nhà nước.

Ngoài quy định cấm bác sĩ bệnh viện công mở cơ sở khám chữa bệnh tư, tại Dự thảo Luật này cũng nêu rõ về các nguyên tắc đăng ký hành nghề, như sau:

  • Người hành nghề chỉ được làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám chữa bệnh.
  • Người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách một khoa của một cơ sở khám chữa bệnh. Không được đồng thời làm người phụ trách từ hai khoa trở lên trong cùng một cơ sở khám chữa bệnh hoặc đồng thời làm người phụ trách khoa của cơ sở khám chữa bệnh khác.
  • Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám chữa bệnh có thể kiêm nhiệm phụ trách một khoa trong cùng một cơ sở khám chữa bệnh và phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn trong chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
  • Người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám chữa bệnh ngoài giờ.
  • Người hành nghề đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của một cơ sở khám chữa bệnh được đăng ký hành nghề ngoài giờ tại cơ sở khám chữa bệnh khác.
  • Người hành nghề được đăng ký hành nghề tại một hoặc nhiều cơ sở khám chữa bệnh nhưng không được đăng ký hành nghề cùng một thời gian tại các cơ sở khám chữa bệnh khác nhau và tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ theo quy định của Bộ luật lao động. Người hành nghề phải bảo đảm hợp lý về thời gian đi lại giữa các địa điểm hành nghề đã đăng ký.
Sẽ “Cấm bác sĩ bệnh viện công mở cơ sở khám chữa bệnh tư”?
Sẽ “Cấm bác sĩ bệnh viện công mở cơ sở khám chữa bệnh tư”?

Ngoài ra, người hành nghề đã đăng ký hành nghề ở một cơ sở khám chữa bệnh khi thực hiện việc khám chữa bệnh theo chế độ luân phiên người hành nghề, khám chữa bệnh nhân đạo hoặc thực hiện kỹ thuật chuyên môn theo hợp đồng giữa các cơ sở khám chữa bệnh với nhau thì không phải đăng ký hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh này.

Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tổng hợp