Bệnh co giật nửa mặt là tình trạng co giật cơ mặt tự phát thường được kích thích bởi dây thần kinh mặt và được mô tả lần đầu tiên bởi Gowers vào năm 1884
Cùng các bác sĩ – giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tìm hiểu chi tiết về bệnh co giật nửa mặt qua bài viết sau đây!
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH CO GIẬT NỬA MẶT
Bệnh co giật nửa mặt là gì?
Bệnh Co giật nửa mặt là tình trạng co giật một cách không chủ ý ở các cơ của 1 bên mặt. Các cơ ở mặt được điều khiển bởi dây thần kinh mặt (dây thần kinh sọ số 7), dây thần kinh này xuất phát từ cuống não và ra khỏi hộp sọ ở ngay dưới lỗ tai (nơi mà nó chia làm 5 nhánh chính – hình 1). Dây thần kinh mặt chủ yếu là dây thần kinh vận động, điều khiển các cơ làm di chuyển lông mày, mắt, môi và miệng.
Bệnh hầu như chỉ xuất hiện ở 1 bên mặt. Mặc dù vẫn có thể xảy ra ở cả 2 bên nhưng rất hiếm, thường chỉ xuất hiện trong một số trường hợp nặng. Co giật nửa mặt khởi phát bằng những cơn co giật ngắn ở cơ vòng mắt và dần dần theo năm tháng lan đến các cơ khác ở mặt (cơ cau mày, cơ trán, cơ vòng miệng, cơ bám da cổ, cơ gò má). Các cơn co giật thoáng qua này sẽ tiến triển thành những cơn co giật liên tục của hệ thống cơ trong cơ thể. Sự kích thích mạn tính các dây thần kinh mặt là nguyên nhân phổ biến gây bệnh co giật nửa mặt.
Hệ thống cơ mặt cũng bị rối loạn vận động tương tự như cơ của tay chân hoặc thân. Việc hiểu cơ chế gây bệnh giúp chẩn đoán và đánh giá tình trạng bệnh chính xác, từ đó bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị thích hợp.
Co giật nửa mặt xuất hiện ở hầu hết các chủng tộc trên thế giới, tuy nhiên nữ giới có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Co giật nửa mặt nguyên phát điển hình thường xuất ở độ tuổi 50 – 60. Khởi phát của co giật nửa mặt ít gặp ở bệnh nhân dưới 40 tuổi và thường là dấu hiệu báo trước của bệnh thần kinh nền (ví dụ như bệnh đa xơ cứng).
Nguyên nhân gây bệnh co giật nửa mặt
Các nguyên nhân gây co giật nửa mặt bao gồm dây thần kinh ở mặt bị chèn ép bởi khối u hay mạch máu, các tổn thương não bộ như đột quỵ hoặc có nhiều mảng xơ vữa, thứ phát sau chấn thương hay bệnh liệt Bell (liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên).
Triệu chứng thường gặp của bệnh co giật nửa mặt
92% cơn co giật khởi phát ở gần mắt và lan xuống phần dưới mặt theo thời gian. 8% các trường hợp còn lại khởi phát ở gần cằm và lan lên trên. Cơn co giật thường không gây đau nhưng nó có thể làm trở ngại với các biểu hiện ở mặt và tầm nhìn.
CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH CO GIẬT NỬA MẶT
Phương pháp chẩn đoán bệnh co giật nửa mặt
Đầu tiên, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử của bệnh nhân và thăm khám thần kinh. Tiếp theo, sử dụng MRI có thể được dùng để loại trừ những bệnh lí thần kinh khác như u não, phình mạch máu não hoặc các bệnh mạch máu bẩm sinh gây chèn ép dây thần kinh mặt. Sau đó, bác sĩ có thể yêu cầu làm điện cơ ở vùng mặt, thường thực hiện kèm với đo tốc độ dẫn truyền dây thần kinh để đo sức cơ và hoạt động của dây thần kinh.
Phương pháp áp dụng điều trị bệnh co giật nửa mặt
Theo các chuyên gia Vật lý trị liệu Sài Gòn, bệnh co giật nửa mặt chủ yếu được điều trị bằng phương pháp nội khoa. Trong trường hợp các tổn thương gây chèn ép các dây thần kinh hoặc bộ phận khác thì cần tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật giúp làm giảm chèn ép từ các vi mạch máu, giúp sức khỏe người bệnh ổn định hơn.
Tiêm độc tố botulinum (BTX)
Là lựa chọn hàng đầu trong điều trị co giật nửa mặt, thường được thực hiện dưới sự hướng dẫn của điện cơ đồ. Các tác dụng phụ của thuốc điều trị co giật nửa mặt (như mặt không đối xứng, sụp mi mắt, yếu cơ mặt) thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Hầu hết bệnh nhân được ghi nhận là có đáp ứng tốt.
Liệu pháp điều trị bằng thuốc
Thuốc có thể dùng trong giai đoạn sớm của co giật nửa mặt (khi cơn co giật còn nhẹ và không xuất hiện thường xuyên). Có thể điều trị bằng thuốc đối với những bệnh nhân có các tổn thương không chèn ép hoặc ở giai đoạn sớm của bệnh co giật nửa mặt vô căn nguyên phát. Trường hợp đáp ứng với thuốc có thể khá đa dạng nhưng thường tỏ ra hiệu quả trong giai đoạn sớm hoặc trong các trường hợp bệnh nhẹ. Thông thường, hiệu quả của thuốc sẽ giảm theo thời gian, do đó cần tăng liều dần.
Phẫu thuật giảm chèn ép
Khi các mạch máu ở mặt giãn ra có thể gây co giật nửa mặt do chèn ép dây thần kinh mặt. Phẫu thuật khiến các mạch máu giảm chèn ép dây thần kinh có thể đưa lại kết quả khả quan. Một nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của phẫu thuật này trên các trường hợp co giật nửa mặt vô căn nguyên phát mà dây thần kinh mặt bị chèn ép trên nhiều vị trí khác nhau đã cho thấy rằng việc tìm ra đúng các mạch máu gây chèn ép và làm xóa bỏ sự chèn ép này làm tăng tỉ lệ điều trị thành công.
Mặc dù việc điều trị đặc hiệu có thể áp dụng đối với các bệnh rối loạn vận động cơ vùng đầu mặt nhưng tiêm độc tố botulinum (BTX) đã được chứng minh có hiệu quả hơn so với phẫu thuật hay trị liệu bằng thuốc.
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tổng hợp