Viêm phổi là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ em. Chính vì vậy nhận biết được các dấu hiệu sớm bệnh sẽ giúp cho việc điều trị có hiệu quả hơn, hạn chế tử vong
Chúng ta hãy cùng các bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tìm hiểu những triệu chứng cũng như các phòng ngừa bệnh viêm phổi trong bài viết dưới đây!
Contents
VIÊM PHỔI LÀ BỆNH GÌ?
Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết, bệnh viêm phổi là tình trạng phổi bị nhiễm trùng do vi khuẩn hay virus khu trú trong phổi, sinh sôi và tạo ra những ổ nhiễm trùng, thường gặp nhất là phế cầu khuẩn và một số loại virus.
Bệnh có thể khởi phát sau khi trẻ ho hoặc cảm cúm. Thời gian này dịch nhầy tiết ra trong phổi nuôi dưỡng cho vi khuẩn phát triển. Sau vài ngày, vi khuẩn và virus nhanh chóng sinh sôi, tạo ra những túi phế nang chứa mủ và chất nhầy nhiễm khuẩn. Thường cơ thể sẽ có biểu hiện ho để đẩy chất nhầy ra khỏi túi phế nang trước khi nhiễm trùng xâm nhập.
Bệnh hay xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi, sinh non, có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, trẻ em ở các nước nghèo có điều kiện kinh tế, vệ sinh, chăm sóc y tế kém.
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH VIÊM PHỔI Ở TRẺ EM
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, phổ biến nhất là: Viêm phổi thể do vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất …
Trẻ em trên 5 tuổi thường gặp viêm phổi do nguyên nhân là vi khuẩn như Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumonia, phế cầu khuẩn hoặc các loại siêu vi hô hấp. Trẻ em dưới 5 tuổi thường mắc viêm phổi do phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu Pyogenes,…
Trẻ dưới 2 tháng tuổi còn có thể gặp một số vi khuẩn đường ruột như: E.Coli, Proteus,… nhiễm từ mẹ.
TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH VIÊM PHỔI Ở TRẺ EM
Triệu chứng của bệnh viêm phổi ở trẻ em thường là:
- Ho, sốt, thở nhanh hay gắng sức là triệu chứng quan trọng nhất cần lưu ý của bệnh viêm phổi. Tình trạng ho vừa đến nặng, thở nhanh liên tục (phân biệt với biểu hiện thở nhanh nhất thời khi sốt cao). Các dấu hiệu thở gắng sức: cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn, co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể bị suy hô hấp, kiệt sức, nhịp thở chậm dần cuối cùng dẫn đến ngưng thở.
- Đau ngực trong lúc ho hoặc giữa các cơn ho.
- Nôn sau những cơn ho mạnh hoặc giữa các cơn ho.
- Tím tái quanh môi và ở mặt do bị thiếu oxy.
Nếu có tất cả các triệu chứng trên thì nguy cơ cao trẻ đã bị viêm phổi, đặc biệt quan trọng nhất là các triệu chứng ho, sốt và thở nhanh hay thở gắng sức.
ĐIỀU TRỊ BỆNH VIÊM PHỔI Ở TRẺ EM
Nếu thấy trẻ có các triệu chứng nghi ngờ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được chụp X-quang, xét nghiệm máu và điều trị kháng sinh kịp thời. Phụ huynh không được tự ý điều trị kháng sinh tại nhà, nhất là trường hợp trẻ bị viêm phổi do virus. Cũng không nên cho trẻ uống thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ vì ho là phản xạ để tống xuất chất đờm ra khỏi đường thở, làm thông thoáng đường thở.
Phụ huynh có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc giúp trẻ nhanh khỏi bệnh hơn:
- Hạ sốt: Chườm ấm (xác định nhiệt độ nước bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, thấy nước ấm là được). Nếu trẻ bị sốt trên 38,5 oC, có thể dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
- Giúp trẻ bài tiết đờm: Vỗ lưng khi trẻ bị ho có đờm giúp lưu thông tuần hoàn máu trong phổi, làm long đờm và thải ra ngoài dễ hơn. Tốt nhất nên vỗ lưng cho trẻ trước bữa ăn hoặc 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn ói, gập bàn tay chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại, giữ ngón cái ép vào ngón trỏ, vỗ bên trái rồi chuyển sang bên phải, làm khoảng 3-5 phút ở mỗi bên. Lưu ý không được vỗ vào vùng dạ dày, xương ức và xương sống.
- Hướng dẫn trẻ ho: Ho giúp làm thông thoáng đường thở, loại bỏ chất tiết ra khỏi phổi. Với trẻ lớn, nên yêu cầu trẻ ho sau khi vỗ lưng ở mỗi bên.
- Vệ sinh mũi miệng cho trẻ: Dùng khăn giấy mềm lau sạch nước mũi, dãi và phải vứt bỏ khăn ngay sau khi sử dụng. Nếu dùng khăn vải phải chú ý giữ vệ sinh khăn vì khi sử dụng lại khăn đã nhiễm bẩn mà không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus bám trên khăn quay trở lại cơ thể trẻ.
- Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ
- Người chăm sóc cho trẻ cần phải rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc hoặc chuẩn bị thức ăn cho trẻ.
- Nên cho trẻ ăn những thức ăn giàu chất dinh dưỡng, mềm và dễ tiêu.
- Khi cho trẻ ăn nên chia thành nhiều bữa trong ngày, số lượng bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn đã chuẩn bị.
PHÒNG NGỪA BỆNH VIÊM PHỔI Ở TRẺ EM
Cũng theo bác sĩ giảng viên Văn bằng 2 Cao đẳng Dược Sài Gòn, để phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em bạn cần:
- Cho trẻ tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch là cách phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm phổi cho trẻ.
- Cần giữ vệ sinh sạch sẽ, tránh lây lan, không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ, cách ly trẻ với người đang mắc bệnh để tránh lây thành dịch.
Nên phát hiện sớm các biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, sốt, chảy nước mũi, khó thở, … và rối loạn như tiêu chảy, ăn kém, chậm tăng cân để biết cách chăm sóc trẻ phù hợp và điều trị kịp thời.