Những tưởng ngủ nghỉ đầy đủ đúng giờ sẽ khiến bạn cảm thấy tinh thần sảng khoái, thoải mái và tràn đầy sức sống để làm việc. Nhưng không, bạn vẫn thấy mệt mỏi, kiệt sức. Vậy nguyên nhân do đâu?
Mặc dù đã ngủ đủ giấc nhưng chúng ta vẫn rơi vào trạng thái mệt mỏi
Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng đều trải qua chuyện này rồi phải không? Trong một cuộc khảo sát với 20.000 người từ các chuyên gia tại Hà Lan thì có tới 30% trong số đó trả lời rằng họ đã đi khám bác sĩ để tư vấn về việc lúc nào họ cũng trong tình trạng mệt mỏi. 20% dân số Mỹ cho biết vấn đề này ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt bình thường trong cuộc sống của họ. Thống kê hàng năm tại Mỹ cho thấy số tiền tổn thất do lao động kém hiệu quả lên đến 100 tỷ USD.
Mệt mỏi là tình trạng thường gặp đối với bất kỳ ai, liên quan đến nhiều vấn đề và nếu hiểu rõ được nguyên nhân dẫn đến cảm giác này sẽ giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân đầu tiên mà chắc ai cũng có thể đoán được đó là do áp lực từ cuộc sống. Mỗi người trong chúng ta đều bị kẹt vào vòng xoáy cạnh tranh của công việc, gánh nặng gia đình hay thậm chí kể cả những cái thông báo trên smartphone cũng đủ khiến chúng ta căng thẳng.
Trải qua nhiều thế kỷ, mệt mỏi được cho là xuất phát từ mối liên kết giữa các hành tinh, thiếu niềm tin vào thần thánh hay thậm chí đó chính là một mong muốn vô thức muốn chết của con người, theo Schaffner. Mãi đến thế kỷ 19, một chẩn đoán khoa học đầu tiên liên quan đến vấn đề này được đưa ra đó là: mệt mỏi do thần kinh bị suy nhược. Khi đó nhà thần kinh học George M. Beard cho biết tình trạng này xảy ra bởi hệ thần kinh bị kiệt sức, từ đó dẫn đến mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần, trong đó bao gồm các cảm giác như khó chịu, tuyệt vọng, sâu răng, lạnh chân và khô tóc. Beard cho rằng sự ra đời của năng lượng hơi nước và các phát minh như máy điện báo chính là thứ khiến cho người ta bị suy nhược thần kinh.
Nhu cầu ngủ và mệt mỏi được các nhà khoa cho là hai khái niệm khác biệt nhưng có một mối quan hệ mật thiết cùng nhau. Các bác sĩ Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn cho biết, có một cách để kiểm tra xem sự mệt mỏi của bạn có phải là do thiếu ngủ hay không, đó là “Sleep latency test”. Được dùng nhiều ở các phòng khám về giấc ngủ, thử nghiệm này nhằm kiểm tra xem bạn mất bao lâu mới có thể ngủ được khi được nằm ở một nơi yên tĩnh vào ban ngày.
Sau bài thử nghiệm, các bác sĩ có thể chẩn đoán bạn đang bị thiếu ngủ hoặc mắc một chứng rối loạn giấc ngủ nào đó. Nếu không rơi vào giấc ngủ sau khoảng 15 phút hoặc lâu hơn nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi sau đó thì mệt mỏi mới chính là vấn đề chứ không phải thiếu ngủ. Nếu buồn ngủ và mệt mỏi không giống nhau, vậy thật ra mệt mỏi là gì? Mary Harrington, nhà thần kinh học tại trường Cao đẳng Smith ở Northampton, Massachusetts, là một trong một số ít các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm kiếm dấu hiệu sinh học của sự mệt mỏi.
Cho đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu điển hình nào được tìm thấy ở tất cả các trường hợp được khảo sát nhưng các nhà khoa học tìm thấy một số “ứng viên” nhất định. Harrington hiện đang phân tích một khả năng khiến bạn bị mệt mỏi vào ban ngày có liên quan đến đồng hồ sinh học, chiếc đồng hồ vô hình quy định các giai đoạn tỉnh táo trong suốt một ngày ở mỗi cá nhân.
Những quy định này chi phối bởi nhân trên chéo (suprachiasmatic) của não, phối hợp cùng với các hormone và vận động não bộ để đảm bảo cho chúng ta luôn cảm thấy như vậy vào từng thời điểm ngày qua ngày. Thông thường, đồng hồ sinh học quy định sự tỉnh táo sẽ đạt mức cực đại vào đầu ngày, giảm xuống vào đầu giờ chiều và thay đổi để bạn cảm thấy buồn ngủ vào buổi tối. Thời gian mà bạn ngủ vào ban đêm ít khi nào ảnh hưởng đến chu kỳ này, theo Harrington.
Một khả năng khiến bạn bị mệt mỏi vào ban ngày có liên quan đến đồng hồ sinh học
Thay vào đó, việc bạn cảm thấy như thế nào ở các thời điểm phụ thuộc vào hormone và tín hiệu điện đầu ra từ đồng hồ sinh học. Đồng hồ sinh học điều chỉnh để đưa ra các thay đổi dựa vào lượng ánh sáng đi vào võng mạc và điều này phụ thuộc vào Mặt Trời. Quá ít ánh sáng vào buổi sáng hay quá nhiều vào ban đêm có thể phá vỡ các tín hiệu của đồng hồ sinh học.
“Tôi nghĩ nhịp sinh học bị gián đoạn là vấn đề khá phổ biến trong xã hội ngày nay và càng ngày trở nên tệ hơn bởi lượng ánh sáng vào ban đêm ngày càng tăng cường”, Harrington nhận định. Có một cách để thiết lập lại đồng hồ sinh học đó chính là tập thể dục. Mặc dù những người bị mệt mỏi do xảy ra vấn đề với đồng hồ sinh học sẽ rất ghét phải vận động mạnh như tập thể dục nhưng việc này có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Tập thể dục thường xuyên giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ và đôi khi, chất lượng lại quan trọng hơn số lượng.
Giảm béo cũng là một cách có thể giúp giảm mệt mỏi. Khi cơ thể có nhiều mỡ, năng lượng sẽ được tiêu thụ nhiều hơn khi bạn di chuyển, đồng thời leptin – một hormone báo cho não biết cơ thể đã có đủ năng lượng dự trữ cũng tiết ra nhiều hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy hàm lượng leptin cao sẽ khiến nhận thức về sự mệt mỏi tăng lên, đồng nghĩa với việc nếu bạn bị béo phì, bạn lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi.
Chất béo dư thừa trong cơ thể cũng khiến tình trạng viêm diễn ra nhiều hơn, đó là một phần của phản ứng miễn dịch khi một protein gọi là cytokine giải phóng vào máu nhiều hơn. Cytokine có nhiều trong cơ thể khiến bạn cảm thấy như mình luôn bị cạn kiệt năng lượng.
Những thay đổi trong một số vùng quan trọng của não bộ có thể làm cho động lực bị giảm sút. Viêm sẽ ảnh hưởng đến mạng lưới thần kinh ở vùng não liên quan đến động lực, khiến cho nhận thức dường như suy sụp và dẫn đến mệt mỏi. Ngay khi bạn không bị béo phì hoặc bệnh, viêm vẫn có thể khiến bạn trở nên mệt mỏi.
Ít vận động, thường xuyên bị stress và ăn uống không đủ chất (nhiều đường và ít rau quả), tất cả đều liên quan đến tình trạng viêm mạn tính dạng thấp. Ngoài ra, một số bằng chứng sơ bộ đã chỉ ra gián đoạn nhịp sinh học cũng có thể khiến tình trạng viêm gia tăng trong não. Vì vậy, nếu có một lối sống khiến cho viêm diễn ra thường xuyên và kéo dài, cũng dễ hiểu vì sao bạn lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi.
Mặc dù viêm không phải là nguyên nhân duy nhất của vấn đề nhưng công cuộc đi tìm kiếm lý do dẫn đến sự mệt mỏi đã giúp các nhà khoa học phát hiện không ít điều lý thú liên quan đến lĩnh vực này. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra vai trò của dopamine – một chất dẫn truyền thần kinh mang đến cho con người niềm vui. Vì một nguyên nhân nào đó, chẳng hạn như mắc bệnh Parkinson, dopamine bị giảm khiến người bệnh rơi vào trạng thái trầm cảm. Chính vì lẽ đó, phần lớn người bị trầm cảm nặng đều cho biết họ luôn cảm thấy cực kỳ mệt mỏi.