Sốt phát ban là căn bệnh lành tính. Để nhanh hết bệnh thì việc chăm sóc là vô cùng quan trọng. Vậy khi bị sốt phát ban có được tắm không?
Contents
NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH SỐT PHÁT BAN
Để biết chắc chắn bị sốt phát ban có được tắm không, trước tiên bạn cần biết nguyên nhân gây bệnh và đặc tính của bệnh này.
Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết, nguyên nhân chính gây sốt phát ban là do virus human herpes 6 hoặc virus human herpes 7 gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ. Giai đoạn trẻ dễ mắc bệnh nhất là từ 6 tháng đến 2 tuổi. Tuy nhiên cũng có vài trường hợp người lớn mắc bệnh này. Bệnh lây qua đường hô hấp. Người bình thường hít phải không khí chứa virus gây bệnh do người bệnh ho hoặc hắt hơi cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.
Thời gian ủ bệnh thường là 7 ngày. Trước khi sốt phát ban, trẻ nhỏ thường có biểu hiện quấy khóc nhiều. Kèm theo đó có thể là chảy nước mũi, mắt đỏ và sốt cao. Tuy nhiên, với bệnh sốt phát ban gây ra do virus sởi thì người bệnh thường sẽ sốt nhẹ hoặc không sốt.
Sau khi hết sốt, người bệnh sẽ bị phát ban ở khắp cơ thể. Nơi phát ban đầu tiên là mặt, sau đó tới cổ, bụng và cuối cùng là tay chân. Ban sẽ hết nếu điều trị tốt sau 3-5 ngày và thường không để lại vết thâm, trừ sốt phát ban do sởi.
Sốt phát ban được đánh giá là bệnh lành tính. Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp gặp biến chứng. Biến chứng của bệnh này thường là viêm tai giữa, viêm phổi và viêm màng não.
Đối với phụ nữ mang thai, trong vòng 3 tháng đầu nếu gặp tình trạng sốt phát ban thì ảnh hưởng rất nhiều đến thai nhi. Nguy cơ gây sảy thai, sinh non hoặc con sinh ra mắc dị tật là rất cao.
KHI BỊ SỐT PHÁT BAN, NGƯỜI BỆNH CÓ TẮM ĐƯỢC KHÔNG?
Đa số các trường hợp trẻ bị sốt phát ban không cần phải nhập viện điều trị. Các bậc phụ huynh có thể cho trẻ uống thuốc theo đơn bác sĩ kết hợp với việc chăm sóc tại nhà.
Nhiều người cho rằng nên kiêng tắm để mau lành bệnh. Thực tế đây là một quan niệm sai lầm. Nếu hỏi các bác sĩ là bị sốt phát ban có tắm được không thì câu trả lời sẽ là có. Chẳng những thế, việc tắm kết hợp với một số dược liệu còn giúp người bệnh mau khỏi bệnh hơn.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, việc tắm và vệ sinh sạch sẽ cho người bệnh là vô cùng cần thiết và quan trọng. Trong y khoa không hề có chống chỉ định tắm cho bất cứ bệnh gì. Ngay cả những bệnh nhân nằm liệt giường thì người bệnh cũng cần được vệ sinh thân thể sạch sẽ. Dĩ nhiên là phải đúng cách.
Nếu trong thời gian bị sốt phát ban mà cơ thể không sạch sẽ (bởi kiêng tắm), người bệnh rất dễ bị viêm da. Da bị viêm sẽ gây ngứa, khó chịu. Và nếu trẻ gãy làm chảy máu thì rất dễ bị nhiễm trùng. Đó là chưa kể khi cơ thể không được tắm và vệ sinh sạch sẽ, người bệnh sẽ cảm giác rất bứt rứt và khó ngủ. Những điều này khiến bệnh lâu khỏi hơn.
Việc tắm khi sốt phát ban, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
- Tắm bằng nước ấm, có thể pha thêm một ít muối.
- Khi tắm xong, cần lau khô người trước khi mặc quần áo.
- Tắm ở nơi kín gió để tránh nhiễm lạnh.
Ngoài ra, việc trùm chăn kín mít cho người bệnh cũng là một quan niệm sai lầm. Bởi việc này sẽ làm người bệnh ngột ngạt và toát mồ hôi. Mồ hôi không thoát ra được sẽ ngấm lại cơ thể. Khi đó, người bệnh rất dễ bị viêm phổi, nhất là với trẻ nhỏ.
CÁC LOẠI LÁ NÊN TẮM KHI SỐT PHÁT BAN
Chẳng những sốt phát ban tắm được mà còn sẽ rất tốt nếu kết hợp với các loại thảo được khi tắm. Theo thầy thuốc Y học cổ truyền Sài Gòn, tắm kết hợp với các loại lá sau đây có thể giúp bệnh nhanh khỏi:
- Lá chè xanh: tắm với lá này có thể dịu những cơn khó chịu, đau ngứa và giảm nhiệt trên da. Thêm vào đó, vitamin B có trong lá chè sẽ làm mềm da và loại bỏ các chất độc gây hại trên da. Ngoài ra, lá này còn có tác dụng chữa lành vết thương.
- Lá ngải cứu: Ngoài tác dụng làm dịu những cơn đau và ngứa do phát ban gây ra, tắm với lá này còn giúp người bệnh tránh bị nhiễm lạnh.
- Lá kinh giới: lá này sẽ giảm nhanh các nốt mẩn đỏ hoặc sưng phù do phát ban gây ra.
- Lá trầu không: đây là lá có tác dụng kháng khuẩn rất cao. Việc tắm với nước lá trầu không sẽ khiến cho vi khuẩn không có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.
- Lá khổ qua rừng: các nhà khoa học đã phát hiện hoạt chất momordicin trong lá khổ qua có thể chống lại virus gây bệnh phát ban. Do đó, việc tắm với lá này sẽ giúp người bệnh nhanh khỏi. Ngoài ra, các vitamin A, D, E còn có tác dụng rất tốt trong việc đào thải độc tố và nuôi dưỡng da, giúp da mềm mại và sạch sẽ.
Với những thông tin trên chắc bạn hoàn toàn có thể tự tin trả lời khi có ai đó hỏi sốt phát ban có tắm được không. Bởi tắm đúng cách cũng là một phương pháp chữa bệnh này.