Theo ông Chứ, Hiệu trưởng trường Đại học Lâm nghiệp, nếu trên văn bằng tốt nghiệp đại học không ghi xếp loại bằng (xuất sắc, giỏi, khá,…) dễ kéo theo sự cào bằng giữa người học.
Không ghi xếp loại nhiều học sinh sẽ không có động lực phấn đấu
Contents
Cần giám sát chất lượng đào tạo của các trường
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có dự thảo Thông tư ban hành quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học (ĐH), bao gồm: Bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự. Nội dung được ghi trên văn bằng có một số thay đổi so với quy định hiện hành.
Theo đó, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục ĐH không còn các thông tin xếp loại học lực của người học như: Xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá hoặc trung bình theo quy chế đào tạo; không còn ghi các hình thức đào tạo như “Chính quy” hoặc một trong các hình thức “Vừa làm vừa học”, “Học từ xa”, “Tự học có hướng dẫn”.
Đánh giá về những quy định trong dự thảo, GS.TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp cho rằng, dự thảo văn bằng không phân biệt hình thức đào tạo là phù hợp với Luật Giáo dục ĐH. Song hiện nay cách thức tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo giữa các trường khác nhau nên cần phải có giải pháp giám sát chặt chẽ quá trình tổ chức đào tạo các hình thức đào tạo.
Ông Chứ cũng cho rằng, nếu trên văn bằng giáo dục đại học không ghi hạng bằng (xuất sắc, giỏi,…) rất dễ kéo theo sự cào bằng giữa người học, điều này có thể vô tình làm giảm động lực phấn đấu của người học.
Đối với quy định không ghi các hình thức đào tạo trên văn bằng, ông Chứ cũng đánh giá, các công ty tư nhân, công ty có vốn đầu tư nước ngoài không quan trọng hệ đào tạo. Những doanh nghiệp này, chỉ quan tâm đến nhân sự họ tuyển dụng có làm được việc, có đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm hay không. Còn đối với cơ quan nhà nước, khi các hệ đào tạo ở đại học có giá trị như nhau sẽ có nhiều người đủ tiêu chuẩn tuyển dụng và bổ nhiệm các chức vụ công việc trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. “Dù vậy, văn bằng có giá trị như nhau nhưng khoảng cách về trình độ đào tạo các loại hình đào tạo vẫn còn khoảng cách khá xa”, ông Chứ cho biết.
Ông Chứ cũng cho rằng: “Thực tế đào tạo ở Việt Nam hiện nay và 5 năm tới vẫn còn nhiều trường đại học tổ chức đào tạo theo lợi nhuận, còn người học chỉ cần bằng cấp. Do đó, khó có thể đánh giá chất lượng đào tạo chính quy và tại chức tương đương nhau”.
Theo ông Chứ, để hình thức đào tạo chính quy và tại chức có giá trị ngang nhau thì các trường đại học phải có trách nhiệm trong đào tạo, không đào tạo dàn trải, không tuyển sinh bằng mọi giá để đủ chỉ tiêu, số lượng mà phải có sự sàng lọc.
Các loại văn bằng chuyên môn đặc thù do Chính phủ quy định
Giải thích những quy định trong dự thảo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lí chất lượng Bộ GD&ĐT cho biết, dự thảo Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học chỉ quy định nội dung chính ghi trên văn bằng, các thông tin khác đã quy định phải ghi trên Phụ lục văn bằng và được cấp đồng thời với văn bằng cho người học.
Việc cấp văn bằng cùng với phụ lục văn bằng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới (trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư này, Ban soạn đã tham khảo văn bằng của hơn 20 quốc gia).
Do vậy, quy định như trong Dự thảo “Thông tư quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học” là phù hợp với thông lệ của nhiều nước trên thế giới, đảm bảo sự hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam với giáo dục đại học của các nước.
Theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, văn bằng giáo dục đại học gồm 3 loại: Bằng Cử nhân; Bằng Thạc sĩ và Bằng Tiến sỹ.
Các loại văn bằng chuyên môn đặc thù do Chính phủ quy định. Hiện tại, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi, theo đó các loại ngành nghề chuyên môn đặc thù sẽ được quy định tại Nghị định này.
Dự kiến, sẽ có các loại bằng kỹ sư, bằng bác sỹ, bằng dược sỹ,… (với tư cách là bằng chuyên môn đặc thù). Do đó, trong dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT không quy định những trường hợp này.