Vì Sao Đề Thi Môn Ngữ Văn Vừa Sức Nhưng Điểm Thi Vẫn Không Cao?

Đề văn kỳ thi THPT quốc gia được xem vừa sức, đáp án cũng chỉ có những yêu cầu rất đơn giản, thế nhưng điểm thi môn văn của phần lớn thí sinh chỉ đạt ở mức trung bình.

Phần lớn thí sinh thi môn văn chỉ đạt điểm từ 5-6

Phần lớn thí sinh thi môn văn chỉ đạt điểm từ 5-6

Phần đọc hiểu ít thí sinh đạt trọn điểm

Muốn bài thi đạt điểm cao, phần đọc hiểu phải làm thật tốt, thế nhưng hầu như không có bài trọn 3 điểm.

Ở câu 1 (xác định thể thơ: 0,5 điểm), đây được xem như là câu chống điểm liệt, đề thi năm ngoái cũng đã hỏi. Thế mà rất nhiều thí sinh trả lời sai, mỗi xấp (24 bài) có đến khoảng gần chục thí sinh trả lời sai, nhiều nhất là xác định thể thơ Đường luật. Câu 2 và 3, thí sinh chủ yếu trả lời được 1 ý đầu trong 2 ý của đáp án. Thiếu các ý quan trọng: “Bộc lộ niềm thương cảm của tác giả” (câu 2); “Tạo giọng điệu hào hứng say mê” (câu 3). Câu 4 cũng rất ít thí sinh đạt trọn 1 điểm, mà chủ yếu được 0,5 vì chỉ nêu suy nghĩ chung chung. Từ thực tế đó, điểm phần đọc hiểu, không cao, trong khoảng 1,75 – 2,0 điểm.

Câu nghị luận xã hội (viết đoạn văn khoảng 200 chữ), điểm tương đối đều, ít thấy đột biến. Cũng rất dễ hiểu vì đề tài yêu cầu quá quen thuộc (sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống). Đa số thí sinh đạt 1,5 – 1,75 điểm, thi thoảng có bài 0,5 – 0,75. Dễ viết, nhưng khó đạt yêu cầu, nên điểm 2 của câu này cũng rất ít thấy.

Thí sinh thường bị đuối phần nghị luận văn học

Thí sinh thường bị đuối phần nghị luận văn học

“Đuối nước” với câu nghị luận văn học

Chấm thi môn văn năm nay, nhiều giám khảo tại TP.HCM nói vui “Dòng Hương Giang thơ mộng, đã làm thí sinh… đuối nước!”. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao đề văn vừa sức, đáp án cũng chỉ có những yêu cầu rất đơn giản, thế mà điểm thi môn văn của hầu hết thí sinh không cao.

Theo các thầy cô Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn cho biết thí sinh mất điểm nhiều nhất ở câu nghị luận văn học “cảm nhận về hình tượng sông Hương, và từ đó nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường. Câu hỏi có 2 vế yêu cầu rất rõ. Tuy nhiên, hầu hết TS chỉ phân tích được vế đầu, vế sau triển khai rất mờ nhạt, nói chung chung, chỉ nêu được một vài nhận xét.

Đáng bàn nhất là có đến hơn 1/3 bài làm của thí sinh đi phân tích sông Hương hết cả tác phẩm, trong khi đề bài chỉ yêu cầu ở đoạn thượng nguồn và có chép cả đoạn văn bản ra. Đây là minh chứng cho cách học ôn quá lệ thuộc tài liệu, văn mẫu, thiếu sáng tạo, yếu kỹ năng… Nhiều thí sinh bỏ giấy trắng, hoặc viết rất sơ sài, thiếu kết bài, thiếu hứng thú, thiếu nhiệt tình.

Thí sinh phạm nhiều lỗi trong bài làm câu này, như nhầm lẫn kiến thức với bài về sông Đà của Nguyễn Tuân; lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu và bố cục về văn bản tích hợp… Vì vậy, điểm của câu này phổ biến trong khoảng 2,25 – 2,5 điểm.

Lý giải cho sự “đuối sức” này, nhiều giám khảo cho rằng do văn bản về sông Hương hay nhưng khó cảm nhận, khó viết. Thí sinh quen nhiều với cách phân tích thơ, truyện. Còn tùy bút, bút ký là thể loại có tính nghệ thuật rất đặc thù, chỉ dành riêng cho phần ít thí sinh khá giỏi và yêu thích môn văn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *