Mới đây đã có những câu hỏi liên quan đến những giải pháp đột phá trong năm học 2019-2020, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT.
Bộ trưởng bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ
Phóng viên (PV): Trong một bài trả lời phỏng vấn đầu năm 2019, đồng chí cho biết niềm tin xã hội là nguồn lực quan trọng để ngành giáo dục chuyển biến tích cực. Vậy, đâu là những thành tựu căn bản của năm học vừa qua, tạo niềm tin và tiền đề cho năm học 2019-2020 tiếp tục đổi mới?
GS, TS Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục là lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến từng người, từng nhà; mỗi bước đi của ngành luôn có sự dõi theo của cả xã hội. Đó vừa là động lực nhưng cũng vừa là áp lực để ngành không ngừng đổi mới theo hướng tích cực, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân.
Năm học 2018-2019, là năm thứ 5 ngành giáo dục triển khai đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI. Trong đó, sự kiện quan trọng là chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới được ban hành. Để có được CTGDPT mới gồm: chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học một cách bài bản là quá trình xây dựng thận trọng từ nhiều năm trước. Ngoài ra, năm học vừa qua cũng đánh dấu sự nỗ lực trong công tác pháp chế khi hai dự thảo luật do Bộ GD và ĐT chủ trì xây dựng gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (ĐH) được Quốc hội thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao. Hàng chục nghị định do Bộ tham mưu Chính phủ ban hành và nhiều thông tư được xây dựng, bổ sung đã gỡ các “nút thắt” từ cơ chế chính sách tạo điều kiện cho giáo dục phát triển.
Một trong những việc ngành giáo dục đã làm được để củng cố niềm tin của xã hội là tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Kết quả kỳ thi phản ánh trung thực, khách quan kiến thức của học sinh; bảo đảm sự tin cậy, phân hóa tốt, làm cơ sở cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ; cung cấp thông tin cho việc đánh giá chất lượng giáo dục mỗi địa phương. Kết quả của kỳ thi không chỉ là nỗ lực của toàn ngành mà còn là của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và địa phương, tạo tiền đề để ngành giáo dục làm tốt hơn nữa trong những năm tiếp theo.
Năm học vừa qua, các đội tuyển Việt Nam tham dự Ô-lim-pích khu vực và quốc tế tiếp tục giành thành tích ấn tượng khi lần đầu tiên giành điểm tuyệt đối phần thi thực hành tại Ô-lim-pích Hóa học quốc tế; giành giải thí sinh nữ có điểm số cao nhất tại Ô-lim-pích Vật lý quốc tế… Đối với giáo dục ĐH, có thêm những bước tiến mới với việc thí điểm mở rộng quyền tự chủ cho ba trường (đã làm tốt giai đoạn thí điểm trước đó); lần đầu có hai ĐH lọt vào danh sách 1.000 ĐH hàng đầu thế giới, bảy ĐH được vào danh sách ĐH hàng đầu châu Á.
Tuy nhiên, ngành giáo dục cũng còn không ít vấn đề cần giải quyết rốt ráo. Đó là, vấn đề bệnh thành tích; thực trạng thiếu trường, lớp, thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương; an toàn trường học, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa được quan tâm đúng mức; tự chủ ĐH còn lúng túng; một số cơ sở giáo dục ĐH bị sai phạm… Tất cả đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm ngành giáo dục phải giải quyết trong năm học mới này.
PV: Như đồng chí vừa trao đổi, thiếu trường, lớp là một trong những vấn đề cần giải quyết rốt ráo. Vậy giải pháp nào để quá trình quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường, lớp học thật sự hiệu quả?
GS, TS Phùng Xuân Nhạ: Năm học 2018-2019, đề án sắp xếp lại hệ thống trường, lớp học được nhiều địa phương xây dựng và triển khai, tạo ra diện mạo mới tinh gọn, khang trang, hiệu quả hơn. Hàng nghìn điểm trường lẻ được dồn dịch, sáp nhập vào điểm trường chính; trường có quy mô nhỏ được tính toán sáp nhập thành trường liên cấp có quy mô lớn hơn… Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc quy hoạch, sắp xếp còn máy móc, cơ học, lúng túng trong cách làm…
Quan điểm của ngành giáo dục là việc quy hoạch, sắp xếp trường lớp phải tính toán căn cơ, trách nhiệm và thực hiện từng bước có lộ trình, vừa tạo ra sự tinh gọn cho bộ máy, vừa đạt hiệu quả về chất lượng giáo dục. Dồn trường, lớp mà để học sinh ngồi chật hơn, đi học quá xa, thậm chí phải bỏ học; giáo viên vất vả hơn; dồn chỗ này để chỗ kia thiếu… là thất bại. Tôi luôn lưu ý những vấn đề nêu trên khi làm việc với các địa phương, cho nên năm học 2019-2020, Bộ GD và ĐT sẽ hướng dẫn, kiểm tra việc dồn dịch, sáp nhập các cơ sở giáo dục, kể cả sáp nhập cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX) ở các địa phương, bảo đảm đúng quy định.
PV: Tổng kết năm học, vẫn có những trường ĐH “có tên mà không có thực”. Vậy, giải pháp nào để sớm xử lý triệt để thực trạng trên?
GS, TS Phùng Xuân Nhạ: Trong một giai đoạn nhất định, việc tăng số lượng trường ĐH là để đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhưng hệ quả tăng trưởng “nóng” là một số trường yếu kém, chất lượng thấp, xảy ra sai phạm. Vì vậy, thời gian qua, Bộ GD và ĐT đã đặt hàng một số nhà khoa học, để có được những nghiên cứu căn cơ, bài bản; có đánh giá tác động và tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhằm thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống theo hướng tinh gọn và hiệu quả, bảo đảm chất lượng, gắn đào tạo với sử dụng. Trên cơ sở đó, Bộ GD và ĐT trình Thủ tướng Chính phủ: Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm, hình thành một số trường sư phạm trọng điểm; Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục ĐH và Đề án rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ. Triển khai thực hiện các đề án nêu trên, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học tới. Việc triển khai theo hướng bảo đảm mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đào tạo chứ không phải để giảm bớt số lượng máy móc, cơ học.
Nguồn: Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn sưu tầm