Tìm Hiểu Danh Sách Hướng Dẫn Sử Dụng Thuốc Ở Người Cao Tuổi Theo Beers 2019

Việc sử dụng thuốc cho người cao tuổi luôn được cân nhắc và thận trọng bởi những lí do về chức năng sinh lí như : Chức năng gan thân suy giảm, thể dịch giảm, nhiều bệnh mắc kèm

hướng dẫn sử dụng thuốc ở người cao tuổi
Hướng dẫn sử dụng thuốc ở người cao tuổi

Cuối tháng 1/2019, Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ (AGS) công bố bản cập nhật Danh sách Beers 2019 dành cho đối tượng người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên). Hướng dẫn này là bản cập nhật của hướng dẫn năm 2015, dựa trên quá trình tổng hợp và đánh giá y văn gồm 1422 bài báo. Hội đồng biên soạn bao gồm 13 thành viên trong đó có bác sĩ, dược sĩ và điều dưỡng.

Bản cập nhật danh sách Beers 2019 bao gồm:

  • Các thuốc có nguy cơ sử dụng không hợp lý ở hầu hết người cao tuổi
  • Các thuốc tránh dùng ở người cao tuổi trong một số trường hợp nhất định
  • Các thuốc cần sử dụng thận trọng
  • Tương tác thuốc
  • Chỉnh liều dựa trên chức năng thận

LÝ DO KHIẾN MỘT SỐ THUỐC BỊ RÚT KHỎI DANH SÁCH

Theo các Dược sĩ Cao đẳng Dược Sài Gòn, lý do khiến một số thuốc bị rút khỏi danh sách có thể do:

Xảy ra các tác dụng không mong muốn liên quan đến việc sử dụng những thuốc này ở nhiều lứa tuổi khác nhau (không chỉ riêng người cao tuổi).

  • Thuốc gây co giật hoặc động kinh mạn tính: bupropion, chlorpromazine, clozapine, maprotiline, olanzapine, thioridazine, thiothixene, tramadol
  • Thuốc gây mất ngủ: phenylephrine, pseudoephedrine, amphetamine, armodafinil, methylphenidate, modafinil, theophyline, caffeine
  • Thuốc giãn mạch sử dụng cho bệnh nhân ngất xỉu

Ticlopidine và pentazocine rút khỏi danh sách vì hai thuốc này không còn lưu hành ở Hoa Kỳ.

Thuốc đối kháng thụ thể histamin H2 (H2RA) rút khỏi nhóm “cần tránh sử dụng” cho bệnh nhân cao tuổi sa sút trí tuệ hoặc suy giảm nhận thức vì không đủ bằng chứng cho thấy tác động có hại của thuốc đến nhận thức của bệnh nhân. Tuy nhiên, nhóm H2RA vẫn được khuyến nghị nên tránh sử dụng ở những bệnh nhân mê sảng.

Các thuốc sử dụng trong hóa trị (carboplatin, cisplatin, vincristine và cyclophosphamide) rút khỏi danh sách vì những thuốc này được xem là thuốc “chuyên biệt cao” và nằm ngoài các tiêu chí đánh giá của AGS.

NHỮNG THUỐC CẦN THẬN TRỌNG KHI SỬ DỤNG

  • Sử dụng thận trọng dextromethorphan/quinidine vì phối hợp này ít có hiệu lực trong việc làm giảm các triệu chứng hành vi của sa sút trí tuệ ở bệnh nhân không bị rối loạn cảm xúc và phối hợp này có khả năng làm tăng nguy cơ té ngã cũng như tương tác thuốc-thuốc.
  • Rivaroxaban làm tăng nguy cơ chảy máu tiêu hóa nên cần thận trọng khi sử dụng ở bệnh nhân thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch hoặc rung nhĩ 75 tuổi.
  • Phối hợp trimethoprim/sulfamethoxazole (TMP/SMX) có thể làm tăng nguy cơ tăng kali máu ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận đang dùng thuốc ức chế men chuyển (ACEI) hoặc thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB). Nếu có thể, nên chuyển sang sử dụng kháng sinh khác (ví dụ: doxycycline, nitrofurantoin). Nếu cần thiết phải sử dụng TMP/SMX, cần theo dõi nồng độ kali máu.
  • Tramadol làm trầm trọng thêm hoặc gây ra hội chứng tiết ADH không thích hợp (SIADH) nên cần thận trọng và theo dõi chặt chẽ nồng độ natri máu khi bắt đầu sử dụng hoặc thay đổi liều ở người cao tuổi.
  • Sử dụng thận trọng aspirin trong dự phòng tiên phát bệnh tim mạch hoặc ung thư đại trực tràng ở bệnh nhân trên 70 tuổi (không phải 80 tuổi như hướng dẫn năm 2015) vì những dữ liệu mới cho thấy độ tuổi có nguy cơ chảy máu cao đã giảm.
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn đào tạo Dược sĩ chuyên nghiệp
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn đào tạo Dược sĩ Cao đẳng Dược chuyên nghiệp

NHỮNG ĐIỂM CẬP NHẬT MỚI KHÁC CẦN CHÚ Ý

Tránh sử dụng thuốc ức chế tái thu hồi serotonin-norepinephrine (SNRI) ở bệnh nhân cao tuổi có tiền sử té ngã hoặc gãy xương. Tuy nhiên, cả nhóm SSRI và SNRI đều có thể sử dụng ở người cao tuổi không có tiền sử té ngã hoặc gãy xương.

Quetiapine; clozapine và pimavanserin đã được chấp nhận sử dụng ở bệnh nhân Parkinson (trước đó, bệnh nhân Parkinson được khuyến nghị nên tránh sử dụng tất các các thuốc chống loạn thần).

Tránh sử dụng glimepiride ở người cao tuổi vì thuốc làm tăng nguy cơ hạ đường huyết kéo dài và nghiêm trọng.

Đối với bệnh nhân cao tuổi mắc các bệnh tim mạch:

  • Tránh sử dụng thuốc chẹn kênh calci nhóm non-DHP cho bệnh nhân suy tim giảm phân suất tống máu.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc ức chế COX-2, thiazolidinedione và dronedarone cho bệnh nhân suy tim không biểu hiện triệu chứng và tránh sử dụng những thuốc này cho bệnh nhân suy tim biểu hiện triệu chứng.
  • Tránh sử dụng digoxin làm điều trị đầu tay trong suy tim hoặc rung nhĩ. Khi sử dụng digoxin cho bệnh nhân suy tim hoặc rung nhĩ, tránh sử dụng liều lớn hơn 0,125 mg/ngày.

Hiệu chỉnh liều ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận:

  • Ciprofloxacin: giảm liều ở bệnh nhân có CrCl < 30 mL/phút vì làm tăng nguy cơ đứt gân và tác động phụ trên hệ thần kinh trung ương.
  • TMP/SMX: làm tăng nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng suy thận và tăng kali máu nên cần giảm liều khi CrCl 15-29 mL/phút và tránh sử dụng khi CrCl <15 mL/phút.
  • Dofetilide: cần giảm liều ở bệnh nhân có CrCl 20-59 mL/phút và tránh sử dụng khi CrCl < 20 mL/phút vì những lo ngại liên quan đến tác động phụ gây kéo dài khoảng QT và xoắn đỉnh.
  • Edoxaban: giảm liều khi CrCl 15-50 mL/phút và tránh sử dụng thuốc này khi CrCl <15 mL/phút hoặc CrCl > 90 mL/phút.

Tương tác thuốc cần tránh khi phối hợp:

  • Warfarin và macrolide (trừ azithromycin), ciprofloxacin hoặc TMP/SMX: làm tăng nguy cơ chảy máu.
  • Ciprofloxacin và theophylline: làm tăng nguy cơ ngộ độc theophylin.
  • TMP-SMX và phenyltoin: làm tăng nguy cơ ngộ độc phenyltoin.
  • Opioid và benzodiazepine hoặc gabapentinoid (gabapentin, pregabalin): làm tăng nguy cơ quá liều opioid. Nhóm gabapentinoid nên được dành cho những bệnh nhân bị đau do nguyên nhân thần kinh.

Có thể thấy, vấn đề sử dụng thuốc ở người cao tuổi luôn là vấn đề được quan tâm bởi các nhà lâm sàng, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Các biển chứng do sử dụng thuốc rất khó tiên lượng nhất là đối với cơ thể người cao tuổi có nhiều biến đổi sinh lí.Sai một li có thể đi một dặm. Cho nên việc thăm dò chức năng gan thận, tìm hiểu kĩ về tương tác thuốc, các bệnh mắc kèm ở người cao tuổi trong quá trình sử dụng thuốc là điều vô cùng cần thiết.

Cung theo lời khuyên từ các chuyên gia Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, việc cập nhật danh sách thuốc sử dụng cho người cao tuổi đối với mỗi cán bộ y tế là một điều thiết thực và ý nghĩa. Nó góp phần không nhỏ trong công tác sử dụng thuốc an toàn hợp lí trên những đối tượng đăc biệt, ở đây là đối tượng người cao tuổi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *