Đề kháng kháng sinh (ĐKKS) đang có sự gia tăng mạnh ở các nước trên thế giới trong đó Việt Nam đang nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ ĐKKS cao nhất thế giới
Sử dụng kháng sinh không đúng cách dẫn đến đề kháng kháng sinh
Nguyên nhân đề kháng kháng sinh
Đề kháng kháng sinh có thể xuất phát từ thói quen sinh hoạt, cách chăm sóc sức khỏe thường ngày của con người. Ví dụ như, người bệnh sử dụng kháng sinh để điều trị các căn bệnh do virus gây ra như cảm lạnh, cúm, tiêu chảy, hay cứ sốt, cứ đau là ra nhà thuốc tự mua kháng sinh…
Trên thực tế, kháng sinh không có hiệu quả khi tác nhân gây bệnh là siêu vi. Dùng kháng sinh không đúng chỗ trong những trường hợp này chỉ làm cho vi khuẩn có lợi trong cơ thể bị tiêu diệt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh kháng lại với kháng sinh.
Mặt khác, với các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp mắc phải tại cộng đồng (CA-RTIs) như nhiễm khuẩn hô hấp trên (viêm tai giữa, viêm mũi họng, viêm xoang) hay nhiễm trùng hô hấp dưới đặc biệt là viêm phổi (một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu), việc sử dụng kháng sinh để chữa bệnh gây ra bởi vi khuẩn là đúng, nhưng cần có chỉ định của bác sĩ để chọn đúng loại kháng sinh.
Ví dụ một người bị đau họng nguyên nhân có thể là do vi khuẩn như Streptococcus group A (cần điều trị bằng kháng sinh), hay có thể do siêu vi (sẽ tự khỏi sau vài ngày). Bác sĩ sẽ căn cứ trên dấu hiệu lâm sàng, các xét nghiệm để định bệnh và cho loại kháng sinh và liều lượng phù hợp.
Bác sĩ Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn cho biết việc người bệnh tự ý mua thuốc hoặc sử dụng chung toa thuốc với người khác sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng kháng sinh không cần thiết (nếu nhiễm do siêu vi), hay sử dụng thuốc kháng sinh không đúng loại, làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt mà còn biến đổi để kháng lại với kháng sinh.
Một sai lầm khác trong việc sử dụng kháng sinh là tự ý thay đổi chỉ định của bác sĩ. Dễ thấy nhất là tình trạng ngưng thuốc khi chưa hết liệu trình, chẳng hạn như nhiều phụ huynh xót con uống kháng sinh không hợp tác, hay quấy khóc, nôn trớ nên vừa thấy con có dấu hiệu chuyển biến tốt hơn là ngừng thuốc, hoặc giảm liều lượng thuốc.
Kết quả là bệnh dễ tái phát, vi khuẩn vẫn còn sống sót và trở nên đề kháng với kháng sinh. Có trường hợp người bệnh còn “đòi” bác sĩ kê hay tự ý đổi liều kháng sinh mạnh hơn khi mới điều trị kháng sinh 2-3 ngày chưa thuyên giảm.
Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn đào tạo Dược sĩ chất lượng
Những tác hại mà đề kháng kháng sinh gây ra cho sức khỏe
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xem ĐKKS là một trong 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu năm nay, bởi những tác hại của vấn nạn này đối với người bệnh và gia đình người bệnh.
Khi ĐKKS xảy ra, nếu mắc bệnh nhiễm khuẩn thực sự, hoặc tái phát bệnh cũ, người bệnh có chỉ định dùng thuốc kháng sinh sẽ gặp nhiều khó khăn do kháng thuốc. Lúc này, người bệnh có thể phải dùng đến kháng sinh phổ rộng, thế hệ sau, đắt tiền hơn, lại nhiều tác dụng phụ hơn.
Nếu bệnh nhân phải nằm viện, thời gian điều trị có thể dài hơn. Chi phí y tế tốn kém hơn nhiều bởi bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đề kháng kháng sinh cần có sự chăm sóc đặc biệt, như nằm phòng bệnh cách ly, cần các dịch vụ hỗ trợ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… Không chỉ khó hồi phục hơn, nhiễm bệnh chéo tại bệnh viện của người bệnh cũng cao hơn. Nhiều trường hợp không thể khỏi bệnh, tăng tỷ lệ tử vong.
Thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Tuy nhiên, tốc độ nghiên cứu và bào chế thuốc kháng sinh thế hệ mới hiện không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc. Trong bối cảnh đó, nhận thức và hành động của mỗi người bệnh là yếu tố quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến đẩy lùi tình trạng ĐKKS.
Để chủ động trong việc ngăn ngừa ĐKKS, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc:
- Tuyệt đối không cho người khác dùng chung kháng sinh;
- Không tận dụng kháng sinh còn thừa;
- Cần đi khám khi phát hiện bệnh, không tự ý mua kháng sinh tại các hiệu thuốc khi không có toa thuốc chỉ định và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ;
- Phải hoàn tất liệu trình sử dụng kháng sinh, không bỏ giữa chừng và phải dùng hết liều được kê kể cả khi đã cảm thấy khỏe. Thông thường kháng sinh được dùng từ 5 đến 10 ngày.