Gemcitabin Hydrochlorid là một hóa chất dùng trong điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư phổi không thế bào nhỏ, ung thư tụy, và ung thư bàng quang
Hãy cùng các Dược sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tìm hiểu về Gemcitabin Hydrochlorid qua bài viết sau đây!
Contents
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VỀ GEMCITABIN HYDROCHLORID
Thông tin chung
- Tên chung quốc tế: Gemcitabine hydrochloride.
- Loại thuốc: Thuốc chống ung thư, nhóm chống chuyển hóa, nucleosid pyrimidin tổng hợp.
- Dạng thuốc và hàm lượng: Thuốc bột: 200 mg; 1 g; 1,5 g; 2 g dùng để pha dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch.
Dược lý và cơ chế tác dụng
Theo Dược sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn, Gemcitabin là chất chống chuyển hóa pyrimidin, có tác dụng ức chế tổng hợp DNA do ức chế DNA polymerase và ribonucleotid reductase đặc hiệu cho pha S của chu kỳ phân bào. Trong tế bào, gemcitabin bị phosphoryl hóa bởi deoxycytidin kinase thành gemcitabin monophosphat; chất này lại bị phosphoryl hóa thành các dẫn chất có hoạt tính là gemcitabin diphosphat và gemcitabin triphosphat. Gemcitabin diphosphat ức chế ribonucleotid reductase nên ức chế tổng hợp DNA còn gemcitabin triphosphat gắn vào DNA và ức chế DNA polymerase.
Dược động học
Sau khi được truyền tĩnh mạch, gemcitabin nhanh chóng rời khỏi máu và được chuyển hóa bởi cytidin deaminase ở gan, thận, máu và các mô khác. Thời gian đạt đỉnh huyết tương là 30 phút sau khi truyền xong. Phân bố: Nếu truyền dưới 70 phút: 50 lít/m2; truyền lâu: 370 lít/m2. Thuốc ít gắn vào protein huyết tương. Gemcitabin được chuyển hóa trong tế bào bởi các nucleosid kinase thành các diphosphat và triphosphat nucleosid có hoạt tính. Phụ nữ có độ thanh thải thuốc thấp hơn 25% so với nam giới. Nửa đời thải trừ của gemcitabin nếu thời gian truyền ≤ 1 giờ: 42 – 94 phút; nếu thời gian truyền 3 – 4 giờ: 4 – 10,5 giờ. Nửa đời thải trừ khỏi tế bào của gemcitabin triphosphat là 0,7 – 12 giờ. Thuốc được đào thải chủ yếu qua nước tiểu (92 – 98%, chủ yếu dưới dạng chất chuyển hóa uracil không có hoạt tính) và qua phân (< 1%).
ĐỐI TƯỢNG SỬ DỤNG GEMCITABIN HYDROCHLORID
Chỉ định dùng thuốc
- Kết hợp với carboplatin để điều trị ung thư biểu mô buồng trứng tiến triển ở bệnh nhân bị tái phát ít nhất 6 tháng sau trị liệu bằng thuốc có platin.
- Kết hợp với paclitaxel trong điều trị khởi đầu ung thư vú di căn sau thất bại điều trị bằng các phác đồ kết hợp có anthracyclin, trừ khi có chống chỉ định.
- Điều trị ung thư biểu mô tuyến tụy giai đoạn cuối hoặc ung thư biểu mô tuyến tụy tại chỗ tiến triển (ung thư không thể phẫu thuật được giai đoạn II hoặc III), hoặc ung thư biểu mô tuyến tụy di căn (giai đoạn IV). Thuốc cũng được dùng cho điều trị bước 1 hoặc bước 2 cho bệnh nhân đã được điều trị bằng fluorouracil trước đó.
- Kết hợp với cisplatin trong điều trị khởi đầu ung thư phổi không phải tế bào nhỏ không phẫu thuật được, tiến triển tại chỗ (giai đoạn IIIA hoặc IIIB) hoặc có di căn (giai đoạn IV).
- Điều trị ung thư bàng quang.
Chống chỉ định
Chống chỉ định dùng thuốc cho những đối tượng dị ứng với gemcitabin hydroclorid.
Thận trọng sử dụng
- Ở người cao tuổi, độ thanh thải thuốc giảm và nửa đời của thuốc kéo dài hơn nên có thể phải giảm liều.
- Phụ nữ có độ thanh thải thuốc thấp hơn và có nửa đời thuốc lâu hơn nên phải theo dõi để giảm liều nếu cần thiết.
- Người bị suy gan, người có tiền sử viêm gan, người bị di căn ở gan, người bị xơ gan, nghiện rượu vì thuốc có thể làm cho bệnh cũ nặng lên.
- Người bị suy thận.
- Phải theo dõi công thức máu toàn phần, số lượng tiểu cầu trước mỗi lần dùng.
- Xác định chức năng gan và chức năng thận trước mỗi lần dùng thuốc, định kỳ và sau khi ngừng thuốc.
- Theo dõi điện giải bao gồm cả kali, magnesi, calci khi kết hợp với trị liệu bằng cisplatin.
- Thuốc có thể gây buồn ngủ. Bệnh nhân đang dùng gemcitabin không nên lái xe và vận hành máy.
- Thời kỳ mang thai: Thuốc độc với thai, có thể gây quái thai.
- Thời kỳ cho con bú: Không rõ thuốc có qua sữa không, cần cân nhắc lợi hại của thuốc và nguy cơ với trẻ đang bú mẹ.
LIỀU LƯỢNG VÀ CÁCH DÙNG GEMCITABIN HYDROCHLORID
Pha thuốc: Pha thuốc bằng dung dịch natri clorid 0,9% để đạt nồng độ thuốc trong dung dịch (không có chất bảo quản) là 38 mg/ml (nồng độ tối đa 40 mg/ml; không pha đặc hơn vì thuốc không hòa tan hết). Với lọ chứa 200 mg bột: thêm 5 ml dung dịch natri clorid 0,9%. Với lọ chứa 1 000 mg thêm vào 25 ml natri clorid 0,9%. Thể tích toàn phần sau đó là 5,26 ml với lọ chứa 200 mg; là 26,3 ml với lọ chứa 1 000 mg. Nồng độ gemcitabin có trong đó là 38 mg/ml (tính cả thể tích của thuốc bột đã bị choán chỗ). Lắc mạnh để thuốc hòa tan hết. Sau đó pha loãng tiếp bằng natri clorid 0,9% để đạt nồng độ 0,1 mg/ml. Phải mang các phương tiện bảo hộ (áo blouse, găng, khẩu trang, kính) khi pha thuốc trong phòng kín, có kiểm tra áp suất. Nếu bị thuốc dây vào mắt, vào da phải rửa ngay bằng nhiều nước.
Trước khi truyền thuốc phải kiểm tra bằng mắt xem có tủa và bị biến màu không. Nếu có tủa thì không được dùng. Thuốc không sử dụng và lọ, bơm kim tiêm, dây truyền… phải hủy theo đúng quy trình.
Gemcitabin chỉ được dùng mỗi tuần một lần, mỗi lần truyền trong 30 phút. Không truyền lâu quá 60 phút vì làm tăng tích tụ chất chuyển hóa có hoạt tính dẫn đến tăng độc tính của thuốc. Không được dùng quá 1 lần trong tuần
TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN (ADR)
Cũng theo các bác sĩ giảng viên Văn bằng 2 Cao đẳng Dược thành phố Hồ Chí Minh, một số tác dụng phụ khi dùng thuốc có thể là:
Rất thường gặp, ADR > 10/100
- Tim mạch: Phù ngoại vi (20%), phù (13%).
- Thần kinh trung ương: Đau (10 – 48%), sốt (30 – 41%), ngủ gà (5 – 11%).
- Da: Nổi mẩn (24 – 30%), rụng tóc (15 – 18%), ngứa (13%).
- Tiêu hóa: Buồn nôn/nôn (64 – 71%), táo bón (10 – 31%), ỉa chảy (19 – 30%), viêm miệng (10 – 14%).
- Huyết học: Thiếu máu (65 – 73%; độ 4: 1 – 3%), giảm bạch cầu (62- 71%), giảm bạch cầu trung tính (61 – 63%; độ 4: 6 – 7%), giảm tiểu cầu (24 – 47%), xuất huyết (4 – 17%). Ức chế tủy là nguyên nhân làm hạn chế liều.
- Gan: Tăng transaminase (67 – 78%), tăng phosphatase kiềm (55 -77%), tăng bilirubin (13 – 26%).
- Thận: Protein niệu (10 – 45%), đái ra máu (13 – 35%), tăng nitơ urê huyết (8 – 16%).
- Hô hấp: Khó thở (6 – 23%).
- Khác: Hội chứng giống cúm (19%), nhiễm khuẩn (8 – 16%).
Thường gặp, 1/100 < ADR < 10/100
- Tại chỗ: Kích ứng tại chỗ tiêm (4%).
- Thần kinh – cơ – xương: Loạn cảm (2 – 10%).
- Thận: Tăng creatinin (2 – 8%).
- Hô hấp: Co thắt phế quản (< 2%).
Ít gặp, ADR <1/100
Hội chứng suy hô hấp cấp ở người trưởng thành, phản vệ, chán ăn, loạn nhịp tim, nổi phỏng ở da, viêm mô, tai biến mạch não, suy tim sung huyết, run cơ, ho, viêm bong, đổ mồ hôi, hoại tử, tăng GGT, nhức đầu, hội chứng tăng urê huyết tán, phản ứng độc ở gan, tăng huyết áp, mất ngủ, viêm phổi kẽ, suy gan, mệt mỏi, nhồi máu cơ tim, viêm mạch ngoại vi, điểm xuất huyết dưới da, phù phổi, hội chứng viêm sau chiếu xạ, suy thận, suy hô hấp, viêm mũi, nhiễm khuẩn huyết, loạn nhịp trên thất, mệt nhọc.