Nấc cụt, là những đợt co thắt đột ngột không tự chủ và ngắt quãng của cơ hoành, lặp đi lặp lại nhiều lần, do hít vào bị ngưng đột ngột, thanh môn bất ngờ đóng kín. Vậy làm thế nào để thoát khỏi cơn nấc cụt?
Bị nấc cụt là do ăn không nhai kỹ và nuốt nhanh
Contents
Nguyên nhân gây nấc cụt là gì?
Nấc là sự co thắt đột ngột, vô thức của cơ hoành, làm cho thanh quản bị đóng mạnh và nhanh, gây ra một tiếng động đặc biệt. Nấc chỉ là một chứng đơn độc, nhưng cũng có khi là một dấu hiệu lâm sàng của một số bệnh nguy hiểm.
Nguyên nhân gây nấc theo như bác sĩ Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn chia sẻ là do sự kích động dây thần kinh cơ hoành – một cơ rộng ngăn cách giữa khoang bụng và ngực. Cơ hoành là bộ phận quan trọng tham gia vào quá trình nấc. Thần kinh cơ hoành gồm hai phần: phần trung tâm nằm ở não, phần ngoại biên là hai dây thần kinh đi từ cổ xuống ngực.
Thông thường, nấc là do ăn không nhai kỹ và nuốt nhanh, vì vậy chỉ cần ăn chậm, nhai kỹ, triệu chứng nấc cụt sẽ chấm dứt. Nếu là trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ thì do bú quá nhanh và nhiều, cần giảm số lần bú, thời gian bú thưa hơn. Nên bế bé ở tư thế đầu hơi cao hơn so với thân mình. Hoặc nấc có thể do tâm lý thường gặp ở những người cười nhiều, người bị stress, thần kinh căng thẳng hoặc cảm xúc quá mạnh. Nhưng đôi khi nấc có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh như: các bệnh lồng ngực (tim, phổi, trung thất), viêm màng phổi thể khu trú ở cơ hoành, viêm mủ hoặc tràn dịch màng phổi hoặc bệnh ở các cơ quan trong ổ bụng như: viêm dạ dày, thực quản có khi cũng gây nấc, thường đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, nhất là lúc ăn chua, uống bia rượu, viêm màng bụng do tạp khuẩn, do lao cũng gây nấc.
Nấc còn gặp ở phụ nữ có thai, người bị mổ vùng bụng, người uống rượu nhiều, người ăn thức ăn cay, uống nước giải khát có ga…
Có những cách nào xử lý khi bị nấc cụt?
Làm thế nào để xử trí cơn nấc cụt?
Nấc tạm thời sẽ khỏi khi bạn thực hiện một số các biện pháp cơ học đơn giản. Cơ chế của các biện pháp này chính là làm tăng nồng độ khí CO2 trong máu hoặc ức chế dây thần kinh phế vị để cắt đứt xung động thần kinh gây nấc. Dưới đây là một số biện pháp điển hình được các giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng Sài Gòn tổng hợp, dễ thực hiện mà lại hiệu quả:
- Nhịn thở: Khi bị nấc, có thể dùng tay bịt mũi vài giây để ngăn cơn nấc. Khi bịt mũi, miệng ngậm lại để không khí không thoát ra ngoài, giống như khi chuẩn bị nhảy xuống bể bơi. Ngay khi cơn nấc dừng, hãy hít một hơi thật sâu rồi thở đều để kích thích máu lưu thông lên não.
- Há miệng hít thở sâu, lấy đầy hơi vào lồng ngực nhưng giữ khí lại mà không thở ra trong vòng khoảng 10 – 15 giây. Lặp lại mấy lần như vậy.
- Bịt chặt lỗ tai (tiện nhất là dùng hai ngón tay trỏ hai bàn tay nhét chặt vào hai lỗ tai) trong 3 phút, sau đó uống vài ngụm nước lạnh. Cách làm này khá hiệu quả bởi sẽ kích thích các dây thần kinh phế vị và làm hết nấc cụt.
- Dùng hai ngón tay ấn – ép vào hai động mạch ở vùng cổ (động mạch cảnh) gây ức chế dây thần kinh quặt ngược dẫn đến giảm co thắt cơ hoành. Lúc đầu ép nhẹ, sau đó tăng dần đến khi có cảm giác nặng và tức thì giảm lực đi. Nghiêng người ra phía trước và uống nhanh một ly nước ở tư thế trên.
- Ngồi và cố gắng hít thở sâu, sau đó thở ra mạnh hết sức có thể. Lặp đi lặp lại khoảng 10 lần.
- Uống nước thật nhanh: Uống một hơi khoảng 10 ngụm nước. Khi nuốt nước, các cơn co thắt nhịp nhàng của thực quản đè lên sự co thắt của cơ hoành làm hết nấc cụt.
- Nuốt 1 thìa giấm hay 1 thìa đường cát khô, nhai và nuốt bánh mì khô trong khi nín thở. Cách này giúp kích thích niêm mạc vùng hầu họng.
- Nhắm hờ hai mắt, dùng hai ngón tay trỏ ấn nhẹ, sâu vào hai nhãn cầu trong 1-2 giây rồi nhấc hờ hai ngón tay trỏ ra. Làm như vậy khoảng 15-20 lần.
- Che hai bên tai bằng ngón tay và áp nhẹ tai trong vài phút hoặc bóp mũi, che 2 tai và uống nước qua một ống hút trong khoảng 20 giây.
Cần làm gì để tránh những cơn nấc cụt xảy ra?
Để ngăn ngừa cơn nấc, bạn nên ăn chậm, nhai kỹ, nuốt từ từ để giảm lượng khí đi vào dạ dày. Không ăn các gia vị quá cay, nóng. Hạn chế đồ uống có cồn và các chất kích thích tạo sự khó chịu từ thực quản xuống dạ dày và trào lên thực quản, gây nấc. Nếu biện pháp cơ học không đỡ, nấc vẫn kéo dài thì bạn cần đến bác sĩ để khám tìm nguyên nhân gây nấc. Sẽ có một số thuốc theo toa có thể giúp đỡ, ngoài ra còn có các thủ thuật, chẳng hạn như châm cứu, thôi miên hoặc phẫu thuật để điều trị, nhưng thường chỉ áp dụng cho những người không đáp ứng với điều trị bằng thuốc.