Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng thường xảy ra ở những người bị bệnh gan nặng. Bệnh thường không gây ra các triệu chứng trừ khi bị chảy máu.
Cùng các Bác sĩ – Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tìm hiểu chi tiết về bệnh để có những thông tin cần thiết, giúp bạn phát hiện cũng như điều trị bệnh một cách hiệu quả.
Contents
Giãn tĩnh mạch thực quản là bệnh gì thưa Bác sĩ?
Giãn tĩnh mạch thực quản (tên tiếng anh là Esophageal Varices) là sự bất thường, giãn rộng tĩnh mạch trong ống nối giữa họng và dạ dày (thực quản). Tình trạng này thường xảy ra ở những người bị bệnh gan nặng. Giãn tĩnh mạch thực quản phát triển khi lượng máu lưu thông bình thường đến gan bị tắc nghẽn bởi huyết khối hoặc mô sẹo ở gan. Để đi vòng qua chỗ bị tắc nghẽn, máu chảy vào các mạch máu nhỏ hơn mà những mạch máu này không được thiết kế để mang một lượng máu lớn. Các mạch máu có thể rò rỉ máu hoặc thậm chí vỡ, gây ra chảy máu đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân gây bệnh giãn tĩnh mạch thực quản là do đâu thưa Bác sĩ?
Giãn tĩnh mạch thực quản đôi khi hình thành do máu chảy vào gan của bạn bị tắc nghẽn, thường là do các mô sẹo ở gan gây ra bởi bệnh gan. Dòng máu bắt đầu chảy ngược trở lại, tăng áp lực lên tĩnh mạch lớn (tĩnh mạch cửa) dẫn máu tới gan. Áp lực này (tăng huyết áp tĩnh mạch cửa) buộc máu đi tìm các đường khác bằng các tĩnh mạch nhỏ hơn, chẳng hạn như ở phần thấp nhất của thực quản. Những tĩnh mạch thành mỏng này phình lên do máu. Đôi khi chúng có thể vỡ và chảy máu.
Nguyên nhân gây ra giãn tĩnh mạch thực quản bao gồm:
- Sẹo gan nặng (xơ gan): Một số bệnh về gan – bao gồm viêm gan do nhiễm, bệnh gan do rượu, bệnh gan nhiễm mỡ và rối loạn ống mật được gọi là xơ gan mật chính – có thể dẫn đến xơ gan.
- Cục máu đông(huyết khối): Một cục máu đông trong tĩnh mạch cửa hoặc trong tĩnh mạch đổ vào tĩnh mạch cửa (tĩnh mạch lách) có thể gây giãn tĩnh mạch thực quản.
- Nhiễm ký sinh trùng: Schistosomiasis nhiễm ký sinh trùng được tìm thấy ở một số vùng của Châu Phi, Nam Mỹ, vùng Caribbean, Trung Đông và Đông Nam Á. Ký sinh trùng có thể làm tổn thương gan, cũng như phổi, ruột và bàng quang
Triệu chứng thường gặp của bệnh giãn tĩnh mạch thực quản là gì?
Giãn tĩnh mạch thực quản thường không gây ra dấu hiệu và triệu chứng trừ khi chảy máu. Các dấu hiệu và triệu chứng chảy máu thực quản bao gồm:
- Nôn ra máu, lượng đáng kể
- Phân đen, như hắc in hoặc phân lẫn máu
- Choáng váng
- Mất ý thức (với trường hợp nghiêm trọng)
Bác sĩ có thể nghi ngờ biến chứng nếu bạn có các dấu hiệu bệnh gan, bao gồm:
- Vàng davà vàng mắt
- Dễ chảy máu hoặc bầm tím
- Dịch tích tụ trong bụng (cổ trướng)
Có những phương pháp nào được áp dụng để điều trị bệnh giãn tĩnh mạch thực quản?
Mục đích chính để điều trị giãn tĩnh mạch thực quản là để ngăn ngừa chảy máu. Xuất huyết thực quản có thể đe doạ tính mạng. Nếu chảy máu xảy ra, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị để ngăn chặn chảy máu.
Điều trị để ngăn ngừa xuất huyết
Các phương pháp điều trị hạ huyết áp của tĩnh mạch cửa có thể làm giảm nguy cơ xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Phương pháp điều trị bao gồm:
- Thuốc để giảm áp lực trong tĩnh mạch cửa: Một loại thuốc huyết áp là thuốc chẹn beta có thể giúp làm giảm huyết áp trong tĩnh mạch cửa, giảm khả năng chảy máu.
- Sử dụng các vòng cao su để cột thắt các tĩnh mạch chảy máu: Nếu giãn tĩnh mạch thực quản của bạn có nguy cơ chảy máu cao, bác sĩ có thể đề nghị một thủ thuật gọi là thắt vòng. Sử dụng nội soi, bác sĩ cột các búi giãn và quấn chúng với vòng cao su, chủ yếu “bóp nghẹt” tĩnh mạch nên không thể chảy máu.
Điều trị nếu bạn đang chảy máu
Chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản rất nguy hiểm đến tính mạng, và tiền hành điều trị ngay lập tức là điều cần thiết. Phương pháp điều trị ngăn ngừa chảy máu và ngăn chặn các ảnh hưởng của mất máu bao gồm:
- Sử dụng các vòng cao su để cột thắt các tĩnh mạch chảy máu.
- Thuốc để làm chậm lưu lượng máu chảy vào tĩnh mạch cửa: Một loại thuốc làm chậm lưu lượng máu thường được sử dụng kèm với phương pháp nội soi để làm chậm dòng máu từ các cơ quan nội tạng đến tĩnh mạch cửa. Thuốc thường được tiếp tục sử dụng trong 5 ngày sau khi xuất hiện chảy máu.
- Chuyển hướng dòng lưu thông máu ra khỏi tĩnh mạch cửa: Bác sĩ có thể đề nghị một thủ thuật được gọi là thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh trong (TIPS) tạo đường thông nối giữa tĩnh mạch. Các đường thông nối này là một ống nhỏ được đặt giữa tĩnh mạch cửa và tĩnh mạch gan, dẫn máu từ gan đến tim. Các thông nối làm giảm áp lực trong tĩnh mạch cửa và thường ngăn xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Tuy nhiên, thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh trong có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm suy gan và rối loạn tâm thần, có thể phát triển khi các chất độc mà bình thường gan lọc sẽ được truyền trực tiếp vào máu. Thủ thuật chủ yếu được sử dụng khi tất cả các phương pháp điều trị khác đã thất bại hoặc như là một biện pháp tạm thời ở những người đang chờ ghép gan.
- Khôi phục lượng máu: Bạn có thể được truyền máu để thay thế máu bị mất và yếu tố đông máu để ngăn ngừa chảy máu.
- Ngăn ngừa nhiễm trùng: Có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng do chảy máu, vì vậy có thể bạn sẽ được cho thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Ghép gan thay gan bệnh bằng gan khỏe mạnh: Ghép gan là một lựa chọn cho những người bị bệnh gan nặng hoặc những người bị xuất huyết nhiều lần do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Mặc dù việc ghép gan thường thành công, nhưng số người chờ ghép lại vượt quá mức so với các cơ quan được hiến tạng.
Tái xuất huyết
Chảy máu sẽ tái phát ở hầu hết những người giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Chẹn beta và cột thắt vòng thực quản là phương pháp điều trị được đề nghị để giúp ngăn ngừa tái phát.