Dược Sĩ Sài Gòn Chia Sẻ Tác Dụng Và Lưu Ý Khi Sử Dụng Glucosamin

Thuốc glucosamin thường được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng khớp và sụn theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng thuốc hợp lý và an toàn

Sản phẩm thuốc Glucosamine của Nhật Bản 900 viên
Sản phẩm thuốc Glucosamine của Nhật Bản 900 viên

Hãy theo dõi bài viết này để được các Dược sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn hướng dẫn tất tần tật những thông tin về Glucosamin!

THÔNG TIN CẦN BIẾT VỀ THUỐC GLUCOSAMIN

Thuốc Glucosamin là gì?

Glucosamin có cấu trúc là một amino monosaccharid có nguồn gốc nội sinh. Glucosamine là hợp chất giống như cellulose, được cơ thể sử dụng để tạo sụn. Glucosamine được cho là tác động bằng cách kích thích sản xuất sụn giúp các khớp hồi phục. Glucosamine cũng bảo vệ sụn và ngăn không cho sụn phân hủy. Glucosamin được tổng hợp bởi cơ thể nhưng khả năng đó giảm đi theo tuổi tác.

Thuốc glucosamine được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng khớp và sụn. Glucosamine cũng có thể có những công dụng khác. Glucosamin trên thị truờng có nguồn gốc từ vỏ tôm cua, động vật biển. Glucosamin dùng trong điều trị được sản xuất ở 3 dạng glucosamin là glucosamin sulfat, glucosamin hydrochorid và N-Acetylglucosamin, trong đó dạng muối sulfat được cho là có hiệu quả nhất. Dược điển Mỹ 32 có chuyên luận glucosamin sulfat natri clorid.

Glucosamine đã được sử dụng trong y học thay thế để giúp giảm đau khớp , sưng và cứng khớp do viêm khớp. Tuy nhiên, không phải tất cả các ứng dụng cho glucosamine đã được FDA chấp thuận. Glucosamine thường được lưu hành dưới dạng thực phẩm chức năng. Do đó, glucosamin không được sử dụng thay cho các loại thuốc do bác sĩ kê đơn.

Tính hiệu quả trong điều trị viêm xương khớp của glucosamin

Glucosamin và các muối của nó được dùng khá rộng rãi như là các sản phẩm được cấp phép hoặc chất hỗ trợ sức khoẻ (health supplements) trong các bệnh viêm xương khớp. Trên thị trường có nhiều chế phẩm kết hợp glucosamin với các thành phần khác như chondroitin, các vitamin, khoáng chất và các dược liệu.

Từ truớc đến nay có nhiều nghiên cứu đưa ra những kết luận trái chiều nhau về tính hiệu quả trong điều trị viêm xương khớp của glucosamin. Một loạt các nghiên cứu mới đây, trong đó có nghiên cứu GAIT (The Glucosamine/chondroitin Arthritis Intervention Trial (GAIT)) (2006) thực hiện trên 1583 bệnh nhân có tuổi trung bình 59 với 64% là phụ nữ được cho là nghiên cứu có thiết kế tốt, đã đưa ra kết luận là glucosamin và chondroitin sulfat dùng một mình hay kết hợp không có hiệu quả giảm đau trong bệnh viêm khớp gối tốt hơn đáng kể so với giả dược.

Các phân tích gộp (phân tích meta) và tổng quan hệ thống gần đây về các nghiên cứu có đối chứng khi dùng chondroitin sulfat đối với viêm khớp gối hoặc khớp háng đã kết luận là chondroitin chỉ đem lại lợi ích rất nhỏ hoặc không đem lại lợi ích gì so với nhóm dùng đối chứng giả dược.

Từ đó có thể thấy các nghiên cứu được thiết kế tương đối bài bản nhất đã đưa ra kết quả không thừa nhận tác dụng của glucosamin và chondroitin sulfat (dùng một mình hay kết hợp cả hai) trên các bệnh nhân viêm xương khớp.

Do các kết quả nghiên cứu về hiệu quả của glucosamin trong điều trị các bệnh viêm xương khớp chưa có đủ bằng chứng thuyết phục nên các chế phẩm glucosamin lưu hành tại Mỹ và Australia chỉ với tư cách là “thực phẩm chức năng” (dietary supplementation).

Qua đây, ta có thể thấy glucosamin không thể thay thế được các thuốc điều trị bệnh viêm xương khớp. Hơn nữa, việc sử dụng glucosamin không phải lúc nào cũng đem lại kết quả khả quan và tác dụng điều trị của glucosamin trong bệnh lý viêm xương khớp vẫn còn đang là một vấn đề được tiếp tục tranh cãi.

HƯỚNG DẪN CÁCH SỬ DỤNG GLUCOSAMIN

Bạn nên sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và kiểm tra thông tin trên nhãn để được hướng dẫn dùng thuốc chính xác. Đặc biệt, bạn không sử dụng thuốc với liều lượng thấp, cao hoặc kéo dài hơn so với thời gian được chỉ định.

Liều glucosamine thường là 1,5 g/ngày, dưới dạng liều đơn hoặc chia nhỏ liều. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình sử dụng thuốc, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.

Nên hỏi ý kiến bác sĩ khi có ý định sử dụng glucosamin cho phụ nữ mang thai

Trước khi dùng thuốc, bạn nên báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu:

  • Bạn đang mang thai hoặc cho con bú. Bạn cần phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ trong trường hợp này;
  • Bạn dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Bạn đang dùng những thuốc khác (bao gồm thuốc được kê toa, không kê toa, thảo dược và thực phẩm chức năng);
  • Bạn định dùng thuốc cho trẻ em hoặc người cao tuổi;
  • Bạn đang hoặc đã từng mắc các bệnh lý.

Trong trường hợp khẩn cấp hoặc quá liều, gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất. Ngoài ra, bạn cần ghi lại và mang theo danh sách những loại thuốc bạn đã dùng, bao gồm cả thuốc kê toa và thuốc không kê toa.

Các dược sĩ Cao đẳng Dược cũng cho biết thêm, nếu bạn quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, bạn hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh Cao đẳng Y Dược
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh Cao đẳng Y Dược

MỘT SỐ CHÚ Ý KHI SỬ DỤNG GLUCOSAMIN

Các tác dụng không mong muốn khi dùng glucosamin

Phần lớn các phản ứng phụ xảy ra nhẹ, bao gồm rối loạn tiêu hóa và khó chịu dạ dày (ví dụ tiêu chảy, ợ nóng, buồn nôn, nôn).

Lo ngại về ảnh hưởng của glucosamine lên cân bằng glucose do glucosamin la một saccharide. Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa xác định được tác dụng lâu dài của glucosamine lên tiết insulin và kháng insulin.

Một mối liên hệ lý thuyết giữa glucosamine và sự phát triển xơ vữa động mạch được nghi ngờ, nhưng không có bằng chứng lâm sàng hỗ trợ.

Tuy nhiên, đây không phải là tất cả các tác dụng phụ của thuốc glucosamine. Do đó, khi dùng thuốc nếu có những dấu hiệu bất thường đối với tình trạng sức khỏe hãy hỏi ý kiến bác sĩ và dược sĩ sẽ có hướng xử trí thích hợp.

Cần cẩn trọng khi sử dụng glucosamin

Glucosamin trên thị truờng có 3 dạng chính: glucosamin sulfat, glucosamin hydrochorid và N-acetylglucosamin. Trong đó chỉ có dạng muối sulfat được sử dụng nhiều nhất trong các nghiên cứu và được cho là mang lại tác dụng tích cực. Điều này chưa chắc đã đúng với 2 dạng còn lại của glucosamin nên cán bộ y tế và người tiêu dùng phải chú ý đến thông tin này trên nhãn của sản phẩm.

Trên thị truờng có nhiều loại glucosamin với hàm lượng rất khác nhau. Trong hầu hết các nghiên cứu, người ta sử dụng tổng liều 1200 – 1500 mg glucosamin thuờng chia 3 lần/ngày. Ngoài ra, nếu kết hợp với chondroitin thì liều được khuyên dùng là 1200mg chia 3 lần/ngày. Nếu sau từ 2 đến 3 tháng không thấy cải thiện tình trạng bệnh thì bệnh nhân nên ngừng thuốc và hỏi ý kiến bác si (dược thư Anh – BNF 59).

Những chế phẩm glucosamin đang lưu hành trên thị truờng có nhiều nguồn gốc khác nhau, do đó chất lượng của chúng cũng khác nhau. Ở Mỹ, glucosamin chỉ được coi là thực phẩm chức năng nên ít bị kiểm duyệt chặt chẽ về mặt chất lượng. Ngoài ra, ít có các nghiên cứu về tác dụng và hiệu quả cũng như chất lượng của sản phẩm được tiến hành với các chế phẩm glucosamin có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Malayxia – vốn đang có mặt rộng rãi trên thị truờng Việt Nam.

Trên đây là những thông tin cơ bản của thuốc glucosamin về chỉ định, liều dùng, cách dùng và những lưu ý khi sử dụng thuốc do nhóm Dược sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tổng hợp nhằm giúp người bệnh có cái nhìn tổng quát hơn về việc sử dụng thuốc glucosamin an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, những thông tin về thuốc glucosamin ở trên chỉ mang tính tham khảo không được dùng để thay thế chỉ định của bác sĩ, để biết thông tin chi tiết cần gọi trực tiếp với các bác sĩ hay dược sĩ của bạn để được tư vấn kỹ hơn.