Việc tự mua và sử dụng thuốc Decolgen không theo hướng dẫn của Dược sĩ có thể đem lại nhiều rủi ro và tác dụng phụ nghiêm trọng. Vậy sử dụng thuốc như thế nào là hiệu quả nhất?
Bài viết này các Dược sĩ tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ cung cấp cho các bạn thông tin cần thiết nhất để các bạn tham khảo và có được hiệu quả sử dụng tối đa nhất thuốc Decolgen!
Contents
Thuốc Decolgen là gì và có tác dụng gì?
Decolgen là một loại thuốc giảm đau, chống sung huyết, kháng dị ứng, hạ sốt hoạt động bằng cách làm giảm sự tổng hợp prostaglandine, ức chế hệ thống men cyclooxygenase. Thuốc có tác dụng kháng histamine do ức chế lên thụ thể H1, qua đó làm giảm sự tiết nước mũi và chất nhờn trong đường hô hấp. Thuốc có thể trực tiếp làm co mạch máu ở mũi và đường hô hấp từ đó làm giảm hiện tượng nghẹt mũi.
Bạn có thể bảo quản thuốc trong nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng, tránh những vị trí ẩm thấp, không được để thuốc trong tủ lạnh, phòng tắm. Mỗi loại thuốc đều có có thể có các cách bảo quản khác nhau vì vậy để chắc chắn, bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ. Đặt thuốc ở nơi mà trẻ em hoặc thú vật nuôi không thể với tới. Hãy vứt thuốc đúng nơi quy định.
Thông tin cần biết về thuốc Decolgen
Thành phần thuốc Decolgen
Theo các Dược sĩ Cao đẳng Dược Sài Gòn, mỗi viên thuốc decolgen đều có chứa các thành phần như sau:
- Paracetamol 500mg là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt không gây nghiện. Thuốc này có khả năng kiểm soát các cơn đau đầu, đau khớp, đau cơ và những triệu chứng xuất hiện kèm với bệnh cảm.
- Phenylepherine HCL 10mg có thể tác động lên niêm mạc mũi bị phù nề giúp làm co niêm mạch mũi, giảm sung huyết để người bệnh dễ thở hơn.
- Chlorpheniramine meleate 2mg là một trong những thuốc có khả năng kháng histamine giúp giảm các biểu hiện của triệu chứng dị ứng đường hô hấp như: chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi, ngăn chặn bệnh nhiễm trùng thứ phát và các biến chứng gây tắc mũi.
Chỉ định sử dụng thuốc Decolgen
- Thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh cảm cúm, sốt, nhức đầu, nghẹt mũi, sung huyết mũi do dị ứng thời tiết, viêm mũi, viêm xoang, viêm thanh quản, đau nhức cơ khớp,…
- Thuốc có tác dụng làm giảm những triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như: sốt, nhức đầu, sổ mũi, đau họng, ho, khó chịu, ớn lạnh,…
- Thuốc có khả năng làm giảm hắt hơi, ngăn chặn dị ứng đường hô hấp.
Chống chỉ định sử dụng thuốc Decolgen
- Các bệnh nhân mẫn cảm với một trong các thành phần của thuốc không nên sử dụng thuốc này.
- Những người có các vấn đề về bệnh cao huyết áp nặng, thiểu năng mạch vành nặng hay mắc phải các bệnh phải sử dụng thuốc thần kinh giao cảm thì không nên sử dụng thuốc này.
Liều lượng sử dụng thuốc Decolgen
Các chuyên gia Trường Dược Sài Gòn cho biết, liều lượng sử dụng decolgen sẽ phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh, cụ thể:
Liều lượng sử dụng cho người lớn
- Với thuốc dạng viên: uống 1-2 viên, 3-4 lần/ ngày
- Với thuốc dạng dung dịch: uống 2 muỗng canh, ngày uống 3-4 lần.
Liều lượng sử dụng cho trẻ em
- Với thuốc dạng viên: Trẻ từ 7-22 tuổi uống 0.5-1 viên, ngày uống 3-4 lần. Trẻ từ 2-6 tuổi uống 0,5 viên, ngày uống 3-4 lần tùy theo độ tuổi.
- Thuốc dạng dung dịch: Trẻ từ 7-12 tuổi uống 1 muỗng canh. Trẻ từ 2-6 tuổi uống 1-2 muỗng cafe. Trẻ còn bú mẹ uống 0.5-1 muỗng cafe. Ngày uống từ 3-4 lần.
Tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Decolgen
Khi sử dụng thuốc bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như sau:
- Có hiện tượng dị ứng ngoài da: nổi mề đay, sần ngứa,…
- Có thể gây kích thích nhẹ hệ thần kinh trung ương đặc biệt là đối với những bệnh nhân quá mẫn cảm với thành phần, tác dụng của thuốc.
- Thuốc có khả năng, tác dụng an thần gây buồn ngủ sâu hoặc nhẹ ở những liều đầu và giảm dần ở những liều kế tiếp.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc Decolgen
Chống chỉ định:
- Nhạy cảm với bất cứ thành phần nào có trong công thức.
- Bệnh nhân suy gan, suy thận nặng, bệnh tim mạch nặng, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, tăng huyết áp nặng, blốc nhĩ thất, xơ cứng động mạch nặng, nhịp nhanh thất, cường giáp nặng, glôcôm góc đóng.
Thận trọng lúc dùng:
- Acetaminophen tương đối không độc với liều điều trị. Đôi khi có những phản ứng da gồm ban dát sần ngứa và mày đay; những phản ứng mẫn cảm khác gồm phù thanh quản, phù mạch, và những phản ứng kiểu phản vệ có thể ít khi xảy ra.
- Cần thận trọng khi dùng phenylephrine cho người cao tuổi, người bệnh cường giáp, nhịp tim chậm, blốc tim một phần, bệnh cơ tim, xơ cứng động mạch nặng, đái tháo đường type 1.
Lúc có thai và lúc nuôi con bú:
- Việc sử dụng thuốc an toàn trong khi mang thai chưa được chứng minh.
- Thuốc có thể đi vào sữa mẹ do đó không nên sử dụng cho những phụ nữ đang cho con bú do trẻ sơ sinh có thể quá nhạy cảm với tác động của thuốc.
Tương tác thuốc
- Uống dài ngày liều cao acetaminophen làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của các thuốc chống đông (như coumarin, dẫn chất indandion).
- Uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng độc tính trên gan của acetaminophen.
Như vậy, bạn vừa đọc xong các thông tin thiết yếu nhất về thuốc Decolgen. Để biết thêm kiến thức về các loại thuốc khác hãy thường xuyên truy cập vào website của Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn các bạn nhé!