Chuyên gia Trường Dược Sài Gòn chia sẻ về thuốc trị Gút

Bệnh Gút là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp. Ngày nay để điều trị Gút các dược sĩ sẽ chỉ định cho bạn các loại thuốc cụ thể. Vậy bạn biết về các loại thuốc này?

Bệnh gút là một bệnh gây rối loạn chuyển hoá
Bệnh gút là một bệnh gây rối loạn chuyển hoá

Bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây để được các Dược sĩ tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tư vấn chi tiết về bệnh Gút (Gout) và các loại thuốc điều trị căn bệnh “nhà giàu” này.

BỆNH GÚT LÀ BỆNH GÌ?

Bệnh gút là một bệnh gây rối loạn chuyển hoá giúp làm tăng nồng độ acid uric trong máu và lắng đọng urat ở các khớp và sụn, gây viêm khớp cấp và mạn với các cơn đau tái hồi. (Nồng độ acid uric máu bình thưòng là 2 – 5mg/dL).

PHÂN LOẠI THUỐC ĐIỀU TRỊ GÚT

Thuốc điều trị gút gồm có 2 nhóm chính:

  • Thuốc chống viêm (điều trị gút cấp): gồm có Colchicin và các thuốc chống viêm không steroid.
  • Thuốc làm giảm acid uric máu (điều trị gút mạn) như Probenecid, sulfinpyrazon, Allopurinol.

CÁC LOẠI THUỐC ĐIỀU TRỊ GÚT PHỔ BIẾN

Các Dược sĩ Cao đẳng Dược Sài Gòn cũng chia sẻ đến bạn về các loại thuốc trị Gút, cụ thể như sau:

Colchicin

Colchicin là một thuốc hấp thu qua đường tiêu hoá, có chu kỳ gan ruột, thuốc gắn vào tất cả các mô như: niêm mạc ruột, gan, thận (trừ cơ vân, cơ tim và phổi). Thuốc thải trừ qua phân và nước tiểu, thời gian bán thải của thuốc khoảng 1 giờ. Khi dùng liều cao thuốc gây tích lũy trong các mô và có thể gây độc. Độ thanh thải của thuốc là 36L/h, thể tích phân bố là 7L/kg.

Tác dụng của thuốc: Colchicin chỉ có tác dụng giảm đau và chống viêm cấp do gút, thuốc không có tác dụng với các trường hợp không phải do bệnh gút. Thuốc tác dụng đặc hiệu với cơn gút cấp.

Cơ chế tác dụng: Colchicin giúp làm giảm sự di chuyển của bạch cầu, làm giảm sự tập trung của bạch cầu hạt ở ổ viêm, thuốc gây ức chế hiện tượng thực bào các tinh thể urat và do đó kìm hãm sản xuất acid lactic, giúp giữ cho pH tại chỗ được bình thường (vì pH là yếu tố tạo điều kiện cho tinh thế urat lắng đọng ở các khớp). Colchicin không tác dụng lên sự đào thải acid uric.

Chỉ định dùng thuốc:

  • Thuốc giúp điều trị cơn gút cấp.
  • Thuốc giúp phòng ngừa cơn cấp ở bệnh nhân gút mạn.

Tác dụng không mong muốn: Người dùng thuốc có thể gặp phải rối loạn tiêu hoá: buồn nôn, nôn, tiêu chảy (thường gặp). Ngoài ra, thuốc còn gây mề đay, phát ban dạng sởi, giảm bạch cầu, tiểu cầu, rối loạn thần kinh cơ. Khi dùng liều cao, có thể gây ức chế tuỷ xương, viêm dây thần kinh, độc với gan, thận, gây đông máu rải rác, rụng tóc. . .

Chống chỉ định: Chống chỉ định thuốc với những bệnh nhân suy gan, suy thận nặng, hoặc những bệnh nhân mẫn cảm với thuốc.

Probenecid

Probenecid giúp hấp thu tốt qua đường tiêu hoá, đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau 2 – 4 giờ. Thuốc liên kết nhiều với protein huyết tương. Thời gian bán thải khoảng 6 – 12 giờ. Probenecid thải trừ qua nước tiểu, tốc độ thải trừ tăng khi pH nước tiểu tăng. Chuyển hoá nhanh, chất chuyển hóa chính là acylmonoglucuronid. Độ thanh thải là l, 4L/h, thể tích phân bố là 0, 16L/kg.

Tác dụng của thuốc: Ở liều điều trị, Probenecid có tác dụng làm tăng thải acid uric (ngược lại liều thấp giảm thải acid uric).

Cơ chế tác dụng: Probenecid gây ức chế cạnh tranh hệ vận chuyển anion gây ức chế tái hấp thu acid uric ở ống thận, làm tăng thải acid uric qua nước tiểu. Khi nồng độ acid uric máu giảm, các tinh thể urat lắng đọng ở các khớp sẽ tan ra và trở lại máu rồi thải trừ dần ra khỏi cơ thể. Probenecid không có tác dụng giảm đau nên để giảm đau phải phối hợp với các thuốc giảm đau khác (không phối hợp Probenecid với aspirin vì aspirin làm giảm tác dụng của Probenecid).

Chỉ định dùng thuốc:

  • Thuốc giúp điều trị bệnh gút thể mạn đã có tổn thương mô, thường phối hợp với Colchicin và các thuốc chống viêm.
  • Khi dùng phối hợp với penicillin để kéo dài tác dụng của penicillin.

Tác dụng không mong muốn: Probenecid tương đối an toàn, tuy nhiên các tác dụng không mong muốn hiếm gặp là các rối loạn tiêu hoá, tăng tạo sỏi thận hoặc cơn đau quặn thận, dị ứng và buồn ngủ.

Chống chỉ định: Chống chỉ định thuốc với bệnh nhân suy thận nặng, tăng acid uric niệu.

Sulfinpyrazon (Anturan)

Sulfinpyrazon hấp thu nhanh qua đường tiêu hoá, đạt nồng độ trong huyết tương sau khi uống 1 – 2 giờ. Liên kết với protein huyết tương nhiều hơn Probenecid (98 – 99%). Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu (90%), thời gian bán thải khoảng 3 giờ. Khác với Probenecid, khi kiềm hoá nước tiểu tốc độ thải trừ của sulfinpyrazon không tăng. Độ thanh thải là l, 4L/h, thể tích phân bố là 0, 06L/kg.

Tác dụng và cơ chế: Sulfinpyrazon có cấu trúc hoá học tương tự phenylbutazon. Tác dụng và cơ chế tác dụng tương tự Probenecid. Tuy nhiên, sulfinpyrazon khác phenylbutazon là nó không có tác dụng chống viêm và không giảm đau.

Chỉ định dùng thuốc: Thuốc giúp điều trị gút mạn, phối hợp với Colchicin và các thuốc chống viêm khác.

Tác dụng không mong muốn:

  • Người dùng thuốc có thể gặp đau bụng, buồn nôn, loét dạ dày – tá tràng.
  • Người dùng thuốc cũng có thể gặp một số tai biến trên máu giống phenylbutazon.

Thận trọng khi dùng thuốc: Dùng thuốc thận trọng ở bệnh nhân suy thận.

Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn Bắt Đầu Mở Chuỗi Nhà Thuốc Dược Sài Gòn
Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn Bắt Đầu Mở Chuỗi Nhà Thuốc Dược Sài Gòn

Allopurinol

Allopurinol hấp thu gần như hoàn toàn qua đường tiêu hoá. Đạt nồng độ tối đa sau khi uống 4 giờ. ít liên kết với protein huyết tương, chuyển hoá thành oxypurinol còn hoạt tính. Thải trừ qua nước tiểu dưới dạng đã chuyển hoá, thời gian bán thải khoảng 1 giờ (oxypurinol là 18-20 giờ). Độ thanh thải là 46L/h, thể tích phân bố là 0, 6L/kg.

Tác dụng của thuốc: Allopurinol làm giảm nồng độ acid uric máu chủ yếu do ức chế cạnh tranh tổng hợp acid uric. Ngoài ra, thuốc làm tăng bài xuất các tiền chất của acid uric qua nước tiểu, vì vậy ít gây sỏi thận và cơn đau thận hơn.

Cơ chế tác dụng: Allopurinol ức chế enzym xanthinoxydase, là enzym có vai trò chuyển các tiền chất hypoxanthin và xanthin thành acid uric, nhờ đó mà giảm nồng độ acid uric máu

Chỉ định dùng thuốc:

  • Điều trị bệnh gút mạn.
  • Các trưòng hợp tăng acid uric thứ phát (do dùng thuốc chống ung thư, thuốc lợi tiểu thiazid. . . ).

Tác dụng không mong muốn:

  • Có thể gây kích ứng tiêu hoá, độc với gan và dị ứng da.
  • Có thể gặp cơn gút cấp ở giai đoạn đầu điều trị. Khắc phục bằng cách dùng kết hợp với Colchicin hoặc các thuốc chống viêm khác.

Trên đây là những chia sẻ của Dược sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn về các loại thuốc trị Gút hiện nay,. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, bởi vậy trước khi sử dụng thuốc bạn hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ hoặc Dược sĩ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *