Tìm Hiểu Lưu Ý Khi Dùng Thuốc Cho Phụ Nữ Có Thai Từ Dược Sĩ Sài Gòn

Để có một thai kỳ khỏe mạnh ngoài việc ăn uống đầy đủ. Phụ nữ có thai còn phân vân không biết cần bổ sung thuốc gì hay không? Việc uống thuốc khi mang thai có ảnh hưởng gì không?

Thuốc được sử dụng trong thời kỳ thai nghén đều có thể gây tác dụng xấu đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ
Thuốc được sử dụng trong thời kỳ thai nghén đều có thể gây tác dụng xấu đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ

Bài viết này sẽ là những lưu ý từ các chuyên gia Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn về vấn đề sử dụng thuốc ở phụ nữ có thai!

THUỐC CÓ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO CHO PHỤ NỮ MANG THAI?

Các Dược sĩ Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết thuốc được sử dụng trong thời kỳ thai nghén đều có thể gây tác dụng xấu đến bất cứ giai đoạn phát triển nào của thai kỳ, đặc biệt là ba tháng đầu.

Thời gian từ khi thụ thai đến khi đứa trẻ được sinh ra gọi là thời kỳ bào thai được chia làm hai giai đoạn.

  • Ba tháng đầu thai kỳ: Giai đoạn phát triển phôi thai dành cho sự tượng hình và biệt hóa các bộ phận của bào thai, ở giai đoạn này bào thai chưa có hình dạng đầy đủ. Trong khoảng thời gian này nếu dùng thuốc có tác dụng cản trở sự tượng hình và biệt hóa như một số thuốc an thần, một số thuốc kháng sinh, thuốc nội tiết tố, thuốc chống ung thư… có thể gây ra quái thai, dị tật bẩm sinh. Dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở bất cứ bộ phận nào như tim, mạch máu, đầu, mặt, bộ phận tiết niệu, sinh dục, tiêu hóa, xương, cơ, các chi…
  • Từ tháng thứ tư trở đi: Giai đoạn phát triển nhau thai, bào thai đã tượng hình và chỉ còn việc phát triển, tăng trưởng thì một số thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến các cơ quan sau này của trẻ do có độc tính đối với các mô đang phát triển của bào thai.

Trước đây, mọi người quan điểm nhau thai là hàng rào bảo vệ thai nhi những hiện nay quan điểm đó không còn nữa. Nhiều thuốc có thể qua nhau thai dễ dàng theo cơ chế khuếch tán thụ động để tác động đến thai nhi. Chỉ có một số ít thuốc vận chuyển chủ động qua lớp màng của nhau thai.

Do đó, tốt nhất là không nên dùng thuốc đối với phụ nữ có thai vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, một vài trường hợp phải dùng thuốc, vì không dùng chữa bệnh cho thai phụ thì có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Đó là các trường hợp thai phụ bị các bệnh như tăng huyết áp, hen suyễn, tiểu đường, động kinh, một số bệnh nhiễm khuẩn. Trường hợp này bắt buộc dùng thuốc chữa bệnh, nếu không dùng có thể ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi, thậm chí gây ra quái thai.

Một số loại thuốc nếu bạn sử dụng trong thai kỳ đều có thể qua nhau thai và gây ảnh hưởng lên thai nhi như:

  • Tác động trực tiếp lên thai nhi gây sẩy thai, thai lưu, dị tật bẩm sinh
  • Làm thay đổi chức năng của bánh rau, giảm nguồn cung cấp oxygen và chất dinh dưỡng cho thai có thể làm thai kém phát triển
  • Có thể tác động lên tử cung, gây co bóp và qua đó gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của thai hoặc gây sinh non.
  • Thuốc có thể gây ra những thay đổi trên cơ thể mẹ và gián tiếp ảnh hưởng tới thai như thuốc hạ huyết áp có thể làm giảm lượng máu tới bánh rau và làm giảm lượng oxygen và chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT LOẠI THUỐC NÀO CÓ THỂ UỐNG TRONG THỜI KỲ MANG THAI?

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phân loại thuốc thành năm loại theo thứ tự A, B, C, D, X theo mức độ rủi ro mà chúng gây ra cho thai nhi nếu chúng được sử dụng trong thai kỳ.

  • Loại A: Các nghiên cứu có kiểm soát cho thấy không có nguy cơ đối với bào thai. Các nghiên cứu có kiểm soát với số lượng đủ lớn trên phụ nữ có thai chứng minh là không làm tăng nguy cơ thai bất thường khi dùng cho người mẹ mang thai tại bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ.
  • Loại B: Không có bằng chứng về nguy cơ đối với bào thai người. Thuốc có nguy cơ gây tác hại cho bào thai trên động vật nhưng các nghiên cứu có kiểm soát và đủ lớn không chứng minh được nguy cơ khi dùng trên người; hoặc thuốc không có nguy cơ trên động vật nhưng chưa đủ nghiên cứu tin cậy để chứng minh an toàn cho người.
  • Loại C: Có nguy cơ cho bào thai. Nghiên cứu trên người chưa đủ nhưng nghiên cứu trên động vật chứng minh có nguy cơ gây tổn hại hoặc khuyết tật cho bào thai; hoặc chưa có nghiên cứu trên động vật và nghiên cứu trên người cũng chưa đầy đủ.
  • Loại D: Chắc chắn có nguy cơ cho bào thai. Các dữ liệu nghiên cứu hoặc dữ liệu sau khi thuốc đã được lưu hành trên thị trường cho thấy thuốc có nguy cơ gây tác hại cho bào thai. Tuy nhiên, lợi ích điều trị vượt trội nguy cơ rủi ro. Thuốc được chấp nhận để điều trị trong những trường hợp bệnh nặng đe doạ tính mạng người mẹ và không thể tìm được thuốc thay thế an toàn hơn.
  • Loại X: Chống chỉ định cho phụ nữ có thai. Tất cả mọi nghiên cứu trên động vật, trên người, các dữ liệu thu thập sau khi thuốc lưu hành trên thị trường đều khẳng định tác hại cho bào thai của thuốc và lợi ích điều trị không vượt trội nguy cơ rủi ro.

Thuốc được phân loại từ A là những loại thuốc mà nghiên cứu trên phụ nữ mang thai sử dụng thuốc thì không thấy có ảnh hưởng trên bào thai đến X những loại mà nghiên cứu cho thấy có độc tính cao và không bao giờ được sử dụng cho phụ nữ mang thai vì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Hệ thống phân loại này của FDA chủ yếu dựa trên thông tin từ các nghiên cứu trên động vật và ít dựa trên các nghiên cứu được thiết kế tốt ở phụ nữ mang thai vì lý do đạo đức và sự tự nguyện. Do đó, việc áp dụng hệ thống phân loại trong các tình huống cụ thể là hết sức khó khăn.

Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh Cao đẳng Y Dược năm 2019
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tuyển sinh Cao đẳng Y Dược năm 2019

Các bác sĩ khi kê đơn cho phụ nữ mang thai đều tuân theo quy tắc: Lựa chọn thuốc trên cơ sở cân nhắc giữa yếu tố nguy cơ và lợi ích của thuốc. Thuốc được chọn là thuốc có lợi ích vượt xa những nguy cơ đã biết.

Trên đây là những thông tin cơ bản về việc sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai mà các Dược sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn đã tổng hợp và chia sẻ đến bạn đọc. Qua những thông tin này bạn có thể thấy những nguy hiểm của việc uống thuốc không đúng chỉ định có thể ảnh hưởng xấu đến thai kỳ, khi cần phải sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng các mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.