Tìm hiểu cơ chế tác dụng của thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm

Thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm là thuốc gì? Cơ chế tác dụng và hiệu quả của thuốc như thế nào? Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm

Tìm hiểu cơ chế tác dụng của thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm
Tìm hiểu cơ chế tác dụng của thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm

Bạn đọc hãy theo dõi bài viết sau đây để được các Dược sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn giải thích cụ thể nhất những thông tin về thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm.

TÁC DỤNG VÀ CƠ CHẾ THUỐC GIẢM ĐAU HẠ SỐT KHÁNG VIÊM

Tác dụng hạ sốt

Cơ chế gây sốt: Các chất gây sốt ngoại sinh như vi khuẩn, độc tố sau khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây kích thích bạch cầu sản xuất ra chất gây sốt nội tại. Các chất gây sốt nội tại hoạt hoá prostaglandin synthetase làm tăng tổng hợp prostaglandin E1 và E2 từ acid arachidonic ở vùng dưới đồi gây mất cân bằng cơ chế điều nhiệt (tăng các quá trình sinh nhiệt, giảm các quá trình thải nhiệt) gây nên sốt.

Cơ chế hạ sốt: Các thuốc hạ sốt ức chế prostaglandin synthetase làm giảm tổng hợp prostaglandin E1 và E2. Do đó, ức chế các quá trình sinh nhiệt, tăng cường các quá trình thải nhiệt và lập lại cân bằng cho trung tâm điều nhiệt.

Khi dùng ở liều điều trị, thuốc có tác dụng hạ sốt khi cơ thể bị sốt do bất kỳ nguyên nhân nào và chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng, không hạ thân nhiệt ở người không sốt.

Tác dụng giảm đau

Các thuốc này đều có thể sử dụng với tác dụng giảm đau từ đau nhẹ đến vừa, vị trí tác dụng là ở các receptor cảm giác ngoại vi. Thuốc có tác dụng tốt với các loại đau, đặc biệt là các chứng đau do viêm. Khác với thuốc giảm đau trung ương (nhóm opiat), thuốc giảm đau hạ sốt chống viêm không có tác dụng giảm đau mạnh, không giảm đau sâu trong nội tạng, không gây ức chế hô hấp và đặc biệt không gây lệ thuộc thuốc khi dùng kéo dài.

Cơ chế giảm đau: Thuốc làm giảm tổng hợp prostaglandin E2, làm giảm tính cảm thụ của ngọn dây thần kinh cảm giác với các chất gây đau của phản ứng viêm như bradykinin, serotonin…

Tác dụng chống viêm

Cơ chế chống viêm: Các thuốc chống viêm không steroid đều ức chế enzym cyclooxygenase (COX), giúp ngăn cản tổng hợp prostaglandin, đây là chất trung gian hoá học gây viêm, do đó làm giảm quá trình viêm (đây là cơ chế quan trọng nhất).

Ngoài ra, các thuốc này còn đối kháng với hệ enzym phân huỷ protein, giúp ngăn cản quá trình biến đổi protein làm vững bền màng lysosom và đối kháng tác dụng của các chất trung gian hoá học như bradykinin, histamin, serotonin, ức chế hoá hướng động bạch cầu, ức chế sự di chuyển của bạch cầu tới ổ viêm.

Người ta đã tìm ra 2 loại enzym COX: COX 1 có nhiều ở các tế bào lành, tạo ra các prostaglandin cần cho tác dụng sinh lý bình thường của một số cơ quan trong cơ thể (dạ dày, tiểu cầu, thận…), COX 2 chỉ xuất hiện tại các tổ chức bị tổn thương, có vai trò tạo ra các prostaglandin gây viêm.

Chính vì thế, xu hướng mới là tạo ra các thuốc chống viêm có tác dụng chọn lọc lên enzym COX 2 để thuốc không ảnh hưởng tới chức năng sinh lý bình thường, giảm tác dụng không mong muốn mà vẫn duy trì được tác dụng chống viêm. Một số thuốc có tác dụng ưu tiên trên COX 2 hiện tại được công nhận là rofecoxib, celecoxib và valdecoxib.

Tác dụng chống kết tập tiểu cầu

Giảng viên lớp Văn bằng 2 Cao đẳng Dược Sài Gòn cho biết các thuốc chống viêm không steroid ức chế enzym thromboxan synthetase làm giảm tổng hợp thromboxan A2 (chất gây kết tập tiểu cầu) nên có tác dụng chống kết tập tiểu cầu.

Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn đào tạo Dược sĩ nhà thuốc uy tín chuyên nghiệp
Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn đào tạo Dược sĩ nhà thuốc uy tín chuyên nghiệp

TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN CỦA THUỐC GIẢM ĐAU HẠ SỐT KHÁNG VIÊM

Tác dụng không mong muốn của các thuốc chống viêm không steroid chủ yếu liên quan đến tác dụng ức chế tổng hợp prostaglandin.

Trên tiêu hoá

Kích ứng, đau thượng vị, nặng hơn có thể là loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hoá… nguyên nhân do thuốc ức chế tổng hợp prostaglandin E1 và E2 làm giảm tiết chất nhày và các chất bảo vệ niêm mạc, tạo thuận lợi cho các yếu tố gây loét xâm lấn.

Trên máu

Kéo dài thời gian chảy máu do ức chế kết tập tiểu cầu, giảm tiểu cầu và giảm prothrombin. Hậu quả gây kéo dài thời gian đông máu, mất máu không nhìn thấy qua phân, tăng nguy cơ chảy máu.

Trên thận

Do ức chế prostaglandin E2 và I2 (là những chất có vai trò duy trì dòng máu đến thận) nên làm giảm lưu lượng máu qua thận, giảm sức lọc cầu thận, giảm thải dẫn đến ứ nước, tăng kali máu và viêm thận kẽ.

Trên hô hấp

Gây cơn hen giả trên người không bị hen hoặc làm tăng các cơn hen ở người hen phế quản. Nguyên nhân do thuốc ức chế cyclooxygenase nên acid arachidonic tăng cường chuyển hoá theo con đường tạo ra leucotrien gây co thắt phế quản.

Các tác dụng không mong muốn khác

Các tác dụng không mong muốn khác có thể là: Mẫn cảm (ban da, mề đay, sốc quá mẫn); gây độc với gan; gây dị tật ở thai nhi nếu dùng thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc kéo dài thời kỳ mang thai và chuyển dạ, xuất huyết khi sinh.

CHỈ ĐỊNH CHUNG KHI DÙNG THUỐC GIẢM ĐAU HẠ SỐT KHÁNG VIÊM

Giảm đau ở mức độ nhẹ và trung bình, đặc biệt hiệu quả đối với các loại đau có kèm viêm.

Hạ sốt do mọi nguyên nhân gây sốt.

Chống viêm: Các dạng viêm cấp và mạn (viêm khớp dạng thấp, thấp khớp cấp, viêm cột sống dính khớp, bệnh gút…).

Trên đây là những chia sẻ từ các giảng viên tại Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn về thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm. Qua bài viết mong rằng các bạn có được những thông tin hữu ích về nhóm thuốc này.