Thí điểm cho học sinh THPT, THCS nghỉ ngày thứ 7

Một số trường học trên cả nước bắt đầu thí điểm cho học sinh THCS và học sinh THPT nghỉ học ngày thứ Bảy. Phương án này đã và đang được dư luận xã hội, đặc biệt là phụ huynh học sinh rất quan tâm.

Một số trường THPT cho phép sinh viên nghỉ thứ 7

Một số trường THPT cho phép sinh viên nghỉ thứ 7

Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh, sắp xếp thời gian học là sự chủ động của các địa phương phù hợp với điều kiện thực tế và nguyện vọng của đông đảo phụ huynh học sinh. Miễn sao nghỉ học thứ 7 không khiến chương trình học, lịch học của các em bị cắt xén, dồn ép gây bất tiện.

Chị Lê Ngọc Lan ở Nguyễn Văn Cừ, Long Biên (Hà Nội) cho biết: Khi con gái còn học Tiểu học, gia đình chị thường lên kế hoạch đi về quê, thăm họ hàng, dã ngoại vào hai ngày cuối tuần. Cả nhà có thời gian dành cho nhau, gia đình gắn kết, con cái có cơ hội được trải nghiệm…

Nhưng hơn một năm nay, khi con gái đầu lên cấp 2 thì những dịp như thế này ngày càng trở nên hiếm hoi vì con phải học ngày thứ Bảy. Chỉ còn mỗi ngày Chủ nhật, gia đình chị cũng chỉ đi được quanh quẩn ở trong thành phố.

Chị Nguyễn Thu Hải ở quận Hoàng Mai – Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn học sinh THCS và THPT được nghỉ học ngày thứ Bảy để con có thể tham gia nhiều hơn vào các hoạt động trải nghiệm thực tế ngoài nhà trường.

Câu chuyện học sinh THCS và THPT học hay nghỉ ngày thứ Bảy không phải đến bây giờ mới được đề cập mà lâu nay, nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này đã được đưa ra. Và trên thực tế, đã có một số trường tại một số địa phương trên cả nước như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội và Lào Cai đã triển khai việc nghỉ học ngày thứ 7.

Theo ông Nguyễn An Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, trước khi thực hiện chủ trương này, ngành Giáo dục đã tổ chức hai cuộc hội thảo để thảo luận, phân tích những ưu điểm, nhược điểm, lấy ý kiến giáo viên và phụ huynh học sinh.

Qua xin ý kiến, việc cho học sinh THCS học chính khóa 5 ngày một tuần đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cơ sở giáo dục và cũng đáp ứng nhu cầu của xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh.

Đặc biệt, đối với nhiều địa bàn vùng cao của tỉnh Lào Cai, việc được nghỉ thêm một ngày trong tuần giúp học sinh có thêm thời gian giúp đỡ gia đình và giáo viên có thêm thời gian về thăm nhà.

“Hiện 187 trường THCS trong toàn tỉnh đã áp dụng học 5 ngày/tuần, trong đó 5 buổi sáng và 2 buổi chiều thực hiện chương trình của Bộ GD&ĐT, các buổi chiều còn lại là hoạt động bổ trợ, ngoại khóa, trên nguyên tắc không gây quá tải cho học sinh, đồng thời thường xuyên có điều chỉnh cho phù hợp.

Với học sinh ở trường nội trú, nội trú dân nuôi thì việc nghỉ học thứ Bảy đặc biệt có ý nghĩa khi các em có thêm một ngày nghỉ để về thăm gia đình, tạo tâm lý thoải mái khi trở lại học tập vào đầu tuần.

Nhờ vậy mà tỷ lệ chuyên cần của học sinh cao hơn so với khi học cả thứ Bảy – các em không phải tự ý nghỉ học để có thêm thời gian ở nhà với gia đình”-lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết.

Tại Hà Nội, vài năm trở lại đây, một số trường THTP cũng đã “nói không” với việc học chính khóa vào ngày thứ bảy. Tại Trường THPT Phan Huy Chú, Trường THPT Yên Hòa… thay vì học chính khóa vào ngày thứ Bảy, nhà trường đã tổ chức các hoạt động thể chất, ngoại khóa theo sở thích của học sinh.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp – Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cho biết: Nhà trường đã áp dụng việc nghỉ học thứ bảy cho học sinh. Để làm được điều này, đòi hỏi Hội đồng giáo dục nhà trường phải chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện đi kèm, đặc biệt là việc thiết kế thời khóa biểu với các tiết học, môn học, hoạt động giáo dục phù hợp.

Cũng theo bà Nhiếp, việc học sinh không phải học ngày thứ bảy sẽ là khả thi và có thể triển khai đồng loạt nếu thực hiện được những giải pháp đồng bộ kèm theo như đổi mới sách giáo khoa theo cách giảm tải, cải tiến cơ sở vật chất nhà trường.

Lãnh đạo Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng cho rằng: Việc cho học sinh và giáo viên nghỉ trọn vẹn hai ngày nghỉ cuối tuần như người lao động các ngành nghề khác luôn là mong muốn của nhà trường. Tuy vậy,  “vướng” nhất hiện nay là điều kiện cơ sở vật chất, vì nếu muốn nghỉ ngày thứ bảy, thì sẽ phải tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Kèm theo đó là những giải pháp đồng bộ để có thể tổ chức bán trú cho học sinh.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc học sinh phổ thông không phải học ngày thứ Bảy sẽ phù hợp với Luật Lao động, và cũng giảm quá tải đối với học sinh.

Trước đây, khi thảo luận, lấy ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, đã có nhiều ý kiến đề xuất đưa quy định này vào Luật. Tuy nhiên, cuối cùng quy định này đã không được đưa vào vì sẽ khó triển khai đồng loạt trong bối cảnh hiện nay.

Lý do là hiện nay nhiều trường đều học 1 buổi/ngày mới đủ lớp, đủ thầy cô dạy và chương trình đang được ổn định, thiết kế học 6 ngày/tuần. Nếu tăng lên học 2 buổi/ngày thì không phải nơi nào cũng đáp ứng được.

Phương án tăng số tiết học mỗi buổi cũng khó khá thi vì nhiều ngày trong tuần, các em học tới 5 tiết đã rất vất vả. Ngược lại, phương án cắt giảm nội dung kiến thức truyền đạt trong mỗi tiết học thì cũng không đảm bảo lượng kiến thức cần nắm được nên cũng không khả thi.

Ngoài những khó khăn này, việc triển khai nghỉ học ngày thứ Bảy có làm tăng thời lượng học thêm của học sinh vì yêu cầu thi cử vẫn không giảm bớt cũng là vấn đề đang được đặt ra.

Hiện chương trình dạy học dựa trên văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước quy định nên học sinh phải học đủ giờ. So với chương trình giáo dục của nước ngoài, khối tiểu học và THCS ở Việt Nam hiện còn thiếu khoảng 1.500 giờ học. Vì vậy, nếu học 2 buổi/ngày thì học sinh mới có thể nghỉ thứ 7.

Quan trọng nữa là khi tổ chức nghỉ học thứ 7, các trường, các địa phương phải có sự sắp xếp, điều chỉnh chương trình sao cho phù hợp, không dồn ép giờ học, không cắt xén chương trình chung.