Sinh Viên Công Nghệ, Kỹ Thuật Sau Khi Ra Trường Có Tỷ Lệ Việc Làm Cao Nhất

Theo báo cáo kết quả khảo sát và công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp ĐH và các trường sư phạm năm 2018 cho thấy, lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật sinh viên ra trường có tỷ lệ việc làm cao nhất là 97,3%

Sinh viên công nghệ kỹ thuật có việc làm cao nhất

Sinh viên công nghệ kỹ thuật có việc làm cao nhất

Nhóm ngành môi trường có tỷ lệ việc làm thấp nhất

Theo tiến sĩ Hoàng Công Dụng, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Tổng hợp báo cáo của 183 trường ĐH (không bao gồm các trường khối an ninh, quốc phòng) cho thấy tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường trong vòng 12 tháng là khá cao. Nhóm ngành tỷ lệ sinh viên có việc làm thấp nhất cũng là 80,4% (nhóm ngành môi trường và bảo vệ môi trường).

Trong nhóm ngành thấp còn có nông lâm nghiệp thủy sản 82,7%; dịch vụ xã hội 82,3%. Đạt tỷ lệ cao nhất, đến 97,3%, là nhóm ngành công nghệ, kỹ thuật. “Các trường đào tạo mã ngành này cho biết nhiều ngành đào tạo không kịp đáp ứng nhu cầu xã hội. Nhiều doanh nghiệp vào tận trường tuyển dụng khi các em mới học năm 3, năm 4. Doanh nghiệp còn ký hợp đồng với trường, bố trí chỗ thực tập, hứa tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp, khi trường bắt đầu tuyển sinh”, ông Dụng cho biết.

Nhiều ngành có việc làm cao nhưng không hấp dẫn người học

Theo thông tin Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn cập nhật từ tiến sĩ Dụng, còn có hơn 10 lĩnh vực, ngành nghề khác (trong tổng số 23 nhóm ngành nghề) tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao, từ 90% trở lên, như kinh doanh và quản lý (94,9%); kiến trúc và xây dựng (94,6%); dịch vụ vận tải (94,4%); dịch vụ, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân (94,1%); máy tính và công nghệ thông tin (93,9%); nghệ thuật (93,5%); khoa học xã hội và hành vi, gồm: kinh tế học, khoa học chính trị, tâm lý học, địa lý học, khu vực học (92,5%); sức khỏe (92,3%)…

“Lạ là trong số những ngành này, dù có tỷ lệ việc làm cao nhưng lại chưa thu hút được sinh viên theo học. Điều này thể hiện ở 2 chỉ số: điểm tuyển sinh đầu vào không cao; tuyển không đủ chỉ tiêu”, tiến sĩ Dụng nói.

Nhiều ngành có tỷ lệ việc làm cao nhưng chưa hấp dẫn người học

Nhiều ngành có tỷ lệ việc làm cao nhưng chưa hấp dẫn người học

Nhiều trường chưa làm tốt công tác hướng nghiệp

Từ mấy năm nay, Bộ GD-ĐT đã xây dựng, hình thành một hệ thống dữ liệu tổng hợp thông tin từ các trường ĐH và các trường sư phạm, trên cơ sở các trường báo cáo theo mẫu biểu có sẵn để thu thập những thông tin căn bản nhất, qua đó lãnh đạo Bộ GD-ĐT nắm được bức tranh về tình hình SV tốt nghiệp ra trường có việc làm.

“Nếu theo phân cấp quản lý nhà nước, tình hình SV tốt nghiệp ra trường làm việc thế nào thuộc trách nhiệm của Bộ LĐ-TB-XH. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống dữ liệu này xuất phát từ nhu cầu của chính Bộ GD-ĐT, để có căn cứ tính toán đào tạo những mã ngành nào, bao nhiêu cho phù hợp với nhu cầu xã hội, nên Bộ đã chủ động thực hiện. Phương pháp làm việc là Bộ yêu cầu các trường báo cáo số liệu, Bộ tổng hợp rồi nhập dữ liệu vào hệ thống chung. Bộ sẽ có những kênh đối sánh như đi kiểm tra cơ sở đào tạo, khảo sát cơ sở sử dụng nhân lực, gọi điện hoặc liên lạc qua email với sinh viên một cách ngẫu nhiên…”, ông Dụng nói.

Tuy nhiên, theo ông Dụng, không phải tất cả các trường đều có ý thức phối hợp với Bộ GD-ĐT để làm tốt việc này, mặc dù đây là một hoạt động rất cần thiết cho từng trường và cho cả hệ thống các cơ sở đào tạo ĐH.