Những Lỗi Thí Sinh Hay Mắc Phải Khi Làm Bài Môn Văn Kỳ Thi THPT Quốc Gia

Để có thể đạt điểm cao nhất ở bài thi môn Văn, thí sinh cần biết rõ những lỗi mà thí sinh các năm trước thường mắc phải để khắc phục

Các thí sinh chú ý về những lỗi dễ mắc phải khi làm bài thi
Các thí sinh chú ý về những lỗi dễ mắc phải khi làm bài thi

Dưới đây là những lỗi rất phổ biến trong bài làm của thí sinh ở hai kỳ thi năm 2017 và 2018 mà ban truyền thông Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn tổng hợp được.

Những sai xót ở phần đọc hiểu

Ở câu 1 của đề thi năm 2017 (nhận biết về phương thức biểu đạt), nhiều thí sinh (TS) không có điểm do trả lời sai hoặc đưa ra nhiều phương án. Vì câu hỏi có từ “chính/chủ yếu”, nên đáp án chỉ chấp nhận cho 0,5 điểm nếu TS trả lời một phương án đúng duy nhất.

Với đề thi 2018, do không nắm chắc kiến thức, nên tuy câu 1 khá dễ nhưng nhiều thí sinh trả lời sai về thể thơ, hoặc trả lời may rủi 3, 4 phương án. Ở câu 2, thí sinh phải kể ra được ít nhất 4 yếu tố mới được 0,5 điểm. Nếu chỉ nêu được 2 đến 3 yếu tố thì chỉ được 0,25 điểm. Đây là kinh nghiệm cho thí sinh, khi đề hỏi “theo tác giả/theo văn bản” thì cần đọc kỹ và trả lời càng đầy đủ càng tốt. Ở câu 3 (nêu hiệu quả của việc sử dụng câu hỏi tu từ, 1 điểm), rất nhiều bài làm 0 điểm. Số còn lại trong khoảng 0,25 – 0,5 điểm. Lý do là thí sinh không chép ra câu hỏi tu từ trong đoạn thơ (mất 0,25 điểm) và trả lời hiệu quả/tác dụng lan man mà không đúng trọng tâm yêu cầu đáp án. Ở câu 4 (1 điểm) phần đọc hiểu, hầu hết thí sinh không đạt được điểm trọn vẹn, do không trả lời đúng theo 2 vế: nêu rõ ràng quan điểm (0,25 điểm) và lý giải thuyết phục (0,75 điểm). Phần lý giải hầu hết còn chung chung, thiếu thuyết phục.

Mắc lỗi ở câu viết đoạn văn

Lỗi dễ thấy nhất là thí sinh lấy lại ý từ văn bản đọc hiểu (bị lệ thuộc) quá nhiều, nên ít bài có tính sáng tạo. Nhiều bài viết quá ngắn hoặc quá dài, viết thành bài văn chứ không phải đoạn văn, nên bị trừ điểm về hình thức, bố cục.

Trong kỳ thi 2018, có nhiều thí sinh lạc yêu cầu từ nghị luận xã hội sang phân tích thơ. Thậm chí có thí sinh chép lại nguyên cả đoạn thơ trong phần giới thiệu rồi say sưa phân tích. Nhiều thí sinh hiểu sai yêu cầu nên đã lạc đề, từ “sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay” lạc sang hoặc là bàn luận về tiềm lực đất nước, hoặc là nói về tiềm lực của bản thân một cách phiến diện, chung chung. Những bài làm tốt là những bài mà thí sinh có những điểm nhấn: ý thức được sứ mệnh của mình, có phương hướng và hành động cụ thể để đánh thức tiềm lực bản thân và có sự tác động tích cực lan tỏa đến cộng đồng.

Các thí sinh bàn luận về đề thi
Các thí sinh bàn luận về đề thi

Lỗi ở câu nghị luận văn học

Đề thi năm 2017 có 2 yêu cầu: Phân tích đoạn thơ và bình luận. Hầu hết thí sinh chỉ đạt được nửa số điểm vì chủ yếu phân tích thơ còn phần bình luận không làm được, hoặc làm sơ sài. Nhiều thí sinh yếu kỹ năng về làm bài tích hợp nên vụng về khi xây dựng bố cục.

Đề thi 2018 cũng có sự tích hợp giữa lớp 12 và lớp 11. Các lỗi của thí sinh là chỉ làm được vế đầu của đề, hoặc có liên hệ với vế sau nhưng sơ sài, khiên cưỡng. Ngoài ra rất nhiều thí sinh bỏ trống phần liên hệ này.

Những lưu ý dành cho thí sinh dự thi THPT quốc gia

Đây là kinh nghiệm cần thiết cho kỳ thi năm 2019, vì mặc dù đề thi chỉ còn chương trình lớp 12 nhưng câu hỏi phần nghị luận văn học cũng có 2 vế yêu cầu tích hợp. Chẳng hạn tích hợp giữa 2 chi tiết trong truyện ngắn (như đề thi minh họa 2019); tích hợp giữa phân tích một đoạn thơ và bàn luận về một ý kiến; tích hợp phân tích, so sánh, đối chiếu 2 đoạn thơ/văn xuôi…

Ngoài ra, thí sinh còn mắc nhiều lỗi khác về kiến thức, kỹ năng, dùng từ, đặt câu, chính tả, chữ viết…