Nghị lực phi thường của cô gái ung thư não nhưng vẫn thi đỗ Đại học

Mặc dù bệnh ung thư của em được phát hiện từ năm 2011 tuy nhiên em Hiền (20 tuổi, Hà Giang) vẫn không suy sụp, vẫn kiên trì vừa học, vừa điều trị để thi đỗ vào ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Nông Thúy Hiền khi tham gia thi đại học

Nông Thúy Hiền khi tham gia thi đại học

Nông Thúy Hiền sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là giáo viên tại Thị trấn Việt Quang, Bắc Quang, Hà Giang. Từ bé, Hiền đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh cho trẻ em vùng cao. Càng lớn, Hiền nỗ lực học tập, đạt thành tích cao để có thể thi vào khoa Ngôn ngữ Anh của ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Tháng 4/2011, Hiền bị động kinh lần đầu nhưng bác sĩ ở tỉnh không phát hiện ra bệnh. Cuối năm, triệu chứng đó xuất hiện một lần nữa. Cô Nguyễn Thị Hà (mẹ của Hiền) đưa em xuống Hà Nội kiểm tra mới bàng hoàng phát hiện con bị ung thư não giai đoạn 2 (có độ ác tính).

Xác định bệnh, các bác sĩ khuyên gia đình nên cho em phẫu thuật. Tuy nhiên, do khối u ác tính nằm ở vị trí nguy hiểm, có thể khiến em bị liệt vĩnh viễn nên gia đình không dám cược mạng sống của con nên xin điều trị bằng thuốc.

Hơn 7 năm sống chung với khối u ác tính trong người là từng ấy thời gian nữ sinh “làm bạn” với thuốc. Thế nhưng, chưa bao giờ Hiền thôi nghĩ về ước mơ được trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh. Nhiều lần phải nhập viện vì sức khỏe đi xuống, Hiền vẫn không quên mang theo sách vở để ôn tập, thậm chí còn ôn bài ngay trên giường bệnh vì sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập.

Theo thông tin Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn được biết, trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2017, Nông Thúy Hiền – cô gái dân tộc Tày đạt 20 điểm khối D (Toán – Văn – Anh). Hiền theo học tại Trường Dự bị Đại học Dân tộc (Việt Trì) một năm sau đó đăng ký vào khoa Ngôn ngữ Anh của ĐH Ngoại ngữ.

Tháng 7/2018, nữ sinh trải qua ca mổ mở não phức tạp. Một tháng sau, Hiền nhập học tại ĐH Ngoại ngữ bất chấp sự lo lắng và ngăn cản của gia đình. Dù lo cho sức khỏe của con gái nhưng thấy khao khát đến trường học tập của con, cô Hà vẫn chấp nhận.

Hoàn thành học kỳ một của năm nhất cũng là lúc căn bệnh quái ác tái phát. Tháng 12/2018, nữ sinh được xác định phù não do ca phẫu thuật trước không đạt kết quả như mong đợi. Sức khỏe ngày một giảm sút, đầu năm 2019, Hiền xin tạm nghỉ học để điều trị.

Dù mang bệnh tật nhưng cô gái dân tộc Tày thường tâm sự với mẹ về khao khát quay lại giảng đường, về ước mơ được làm giáo viên giống bố mẹ. Mỗi lần nghe con nói vậy, cô Hà tại ứa nước mắt.

Trải qua nhiều đợt điều trị, cứ cách 10 ngày, hai mẹ con cô Hà lại bắt xe từ Hà Giang xuống bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội) để truyền hóa chất. Đợt nào sức khỏe ổn định thì khoảng 5 ngày là được về. Có đợt lên đến 10 ngày hoặc hơn nếu cơ thể Hiền không đủ điều kiện để truyền hóa chất. Từ ngày con phát bệnh, cô Hà liên tục xin nghỉ để chăm con. Cô nói: “Không điều gì quan trọng bằng sức khỏe của con hết”.

Phát hiện con gái bị bệnh vào năm 2011, 5 năm sau, khó khăn lại ập xuống gia đình cô Hà khi đứa con trai (em của Hiền) bị một người say rượu đi xe máy tông trúng, gây chấn thương sọ não. Ba năm liên tiếp, cậu bé phải trải qua ba ca mổ não. Lần gần nhất là năm 2018, em phải ghép xương nhân tạo vì mảnh xương sọ cũ đã bị hỏng.

Biến cố liên tục đổ xuống gia đình khiến đồng lương của vợ chồng cô Hà không đủ để chữa bệnh cho con. Tính riêng tiền viện phí và các chi phí thuốc thang bên ngoài của Hiền từ năm 2011 đến nay cũng hơn 700 triệu đồng, còn em trai cũng hơn 300 triệu đồng.

8 năm trời cùng con chiến đấu với bệnh tật, số nợ của gia đình không ngừng tăng lên. Cô Hà thậm chí phải cầm sổ lương để đi vay nợ mà chẳng biết bao giờ mới có thể trả nổi. “Dù có nợ tiền tỷ hoặc nhiều hơn nữa mà các con tôi có thể khỏe mạnh, vui vẻ như trước thì tôi cũng chấp nhận. Nhìn các con vật vã, tôi chỉ ước có thể thay con nhận tất cả sự đau đớn đó”, cô Hà nghẹn lời.

Ngồi trong phòng bệnh, Hiền tưởng tượng rằng một ngày sẽ xuống Hà Nội cùng với mẹ. Đó sẽ là lần mẹ đưa em đi nhập học tại ĐH Ngoại ngữ, không phải đi vào cánh cổng bệnh viện lạnh lùng kia.