Lên ĐH Mới Thấu Được Nỗi Khổ Đăng Ký Tín Chỉ Qua Mạng

Nhiều sinh viên hài hước cho rằng đăng ký tín chỉ giống như mua vé tàu hay máy bay giá rẻ qua mạng, hở một chút là người khác nhảy vào, mất chỗ. Ai may mắn đăng ký được thì coi như… trúng số.

Sinh viên thức đêm đăng ký tín chỉ

Lên ĐH mới thấu được nỗi khổ đăng ký tín chỉ qua mạng

Năm học mới lại sắp bắt đầu, các sinh viên lại chuẩn bị tinh thần quyết chiến với địa chỉ website của nhiều trường ĐH khi mà tay lap tay điện thoại liên tục 24/24.

.N, SV ngành báo chí – truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, kể: “Mỗi lần đăng ký tín chỉ, SV muốn “quýnh” sập phòng đào tạo. Nếu thông báo được đăng ký lúc 7 giờ sáng thì khoảng 6 giờ 45, web phòng đào tạo bị sập. Có khi em thức dậy từ 6 giờ sáng mà đến 10 giờ chưa đăng ký được tín chỉ. Đăng ký học vượt, học lại, học cải thiện còn khổ hơn trăm ngàn lần. Khi vào được web, đăng nhập xong, chọn môn đăng ký thì hệ thống luôn báo lỗi, phải làm lại từ đầu. Bị liên tục như vậy cho tới khi đủ lớp, không cho đăng ký nữa”. T.N kể thêm: “Khổ nhất là đăng ký học lại.

Học kỳ vừa rồi em đăng ký học lại trả nợ mà vô hoài không được, đến lúc được thì lớp đủ rồi, không học được nữa. Em lại phải chờ năm sau đăng ký học. Nếu năm sau web bị sập thì phải chờ năm sau nữa”. X., SV năm thứ 3, ngành giáo dục mầm non Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kể các năm trước việc đăng ký tín chỉ là một cực hình.

Trường cho SV đăng ký lúc 0 giờ nhưng chỉ có một đường dẫn đăng ký. Muốn đăng ký phải thức khuya nhưng nhiều lúc thức đến sáng cũng không đăng ký được. Muốn vô được trang chủ phải mất đến một giờ, truy cập vào tài khoản mất thêm một giờ nữa. Đợt đăng ký tín chỉ vừa qua, trường rút kinh nghiệm bằng cách mỗi khoa sẽ có một đường dẫn riêng, SV khoa nào đăng ký theo khoa đó. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng kẹt mạng.

T., SV Trường ĐH Tài chính – Marketing cũng kể, đợt đăng ký tín chỉ vừa qua cứ đăng nhập vào trang là không được. Nhiều lần như vậy, đến mấy tiếng sau mới đăng ký được một môn học.

Không chọn được giảng viên muốn học

Một vấn đề không thể giải quyết được trong việc đào tạo tín chỉ tại VN hiện nay là SV không thể chọn được giảng viên muốn học mặc dù đây là một trong những ưu điểm cơ bản của việc học tín chỉ.

T., SV Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết trường không công khai tên của giảng viên. T.Q, SV Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng khó mà đăng ký được đúng giảng viên muốn học. Ban đầu, Q. cùng nhóm bạn định đăng ký cùng học một thầy nhưng cuối cùng phải qua lớp của thầy khác để học. Chỉ một số người đăng ký được đúng thầy cô mình muốn học, còn hầu hết đều không thể thực hiện được việc này.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng không thực hiện được chuyện cho SV chọn giảng viên. Hiện tại SV chỉ có thể chọn được lớp, chứ không chọn được thầy cô. N., SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thì hài hước: “Đăng ký được môn học là mừng hết cỡ rồi, còn quan tâm gì chuyện học thầy cô nào nữa”.

Ông Châu Minh Quí, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tài chính – Marketing, nhận định: “Như ở nước ngoài, phải thực hiện, vận hành 20 – 30 năm trở lên mới trở thành hệ thống tín chỉ được. Khi hoàn thiện hệ thống mới có quyền đăng ký môn học, địa điểm, chọn lựa giảng viên… VN hiện nay chưa có hệ thống tín chỉ mà mới là đào tạo tín chỉ thôi”.

Ông Quí nói thêm: “Tôi dám khẳng định chưa có trường nào mà có tên giảng viên trong hệ thống đăng ký tín chỉ hết. Lý do là thực tế hiện nay quá ít giảng viên, trong khi SV quá nhiều. Chỉ khi giảng viên nhiều hơn SV mới đúng là hệ thống tín chỉ. Không đủ giảng viên lấy gì SV được lựa chọn? Giảng viên các trường có đội ngũ cơ hữu, nhưng để đảm bảo tất cả môn học phải mời khoảng 10 – 15% giảng viên bên ngoài thỉnh giảng. Khi SV đăng ký môn học xong mới mời giảng viên bên ngoài”.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng thừa nhận thực trạng này tại các trường ĐH, CĐ. Lý do là không có nhiều thầy cô để SV chọn nên phải phân bố đều. Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết hiện nay chưa làm đúng thực chất tín chỉ nên còn nhiều trục trặc. Các trường cũng đang triển khai, cố gắng áp dụng tốt hơn. Học chế tín chỉ tốt, tạo sự chủ động cho SV nhưng chỉ nên triển khai với điều kiện trường đảm bảo được phần mềm, đội ngũ, thư viện, giáo trình… để hỗ trợ cho SV học tập.

Tổng hợp tin tức giáo dục