Cùng Tìm Hiểu Rung Thất Cùng Bác Sĩ Cao Đẳng Dược Sài Gòn

Không phải luôn luôn biết những gì gây ra rung thất, nhưng hầu hết các trường hợp rung tâm thất bắt đầu như là một nhịp tim nhanh thất. Trong quá trình rung thất, huyết áp giảm đột ngột, cắt đứt nguồn cung cấp máu đến cơ quan quan trọng, trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.

Cùng tìm hiểu rung thất cùng bác sĩ Cao đẳng Dược Sài Gòn
                          Cùng tìm hiểu rung thất cùng bác sĩ Cao đẳng Dược Sài Gòn

Cùng các Bác sĩ – Giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tìm hiểu bệnh rung thất để có những thông tin cần thiết về bệnh, giúp bạn phát hiện cũng như điều trị bệnh một cách hiệu quả.

Rung thất là bệnh gì thưa Bác sĩ?

Rung thất xảy ra khi tim đập nhanh, xung điện thất thường. Điều này làm cho buồng tâm thất rung động vô ích, thay vì bơm máu. Trong quá trình rung thất, huyết áp giảm đột ngột, cắt đứt nguồn cung cấp máu đến cơ quan quan trọng. Rung thất là một trường hợp khẩn cấp yêu cầu chăm sóc y tế trực tiếp.

Một người bị rung thất sẽ mất ý thức trong vòng vài giây và nhanh chóng sẽ ngừng thở hoặc mất mạch. Cấp cứu điều trị rung thất bao gồm hồi sức tim phổi (CPR) và sốc tim với một thiết bị gọi là máy khử rung. Điều trị cho những người có nguy cơ rung thất bao gồm thuốc và các thiết bị cấy ghép có thể phục hồi nhịp tim bình thường.

Nguyên nhân gây bệnh rung thất là do đâu?

Không phải tất cả các trường hợp rung thất đều tìm được nguyên nhân rõ ràng. Tuy nhiên, nguyên nhân rung thất phổ biến nhất là sau nhồi máu cơ tim. Một số trường hợp rung thất bắt nguồn từ nhịp nhanh thất – một dạng rối loạn nhịp tim nhanh. Nhịp nhanh thất gây ra bởi các xung điện bất thường bắt nguồn từ trong tâm thất.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị rung thất bao gồm:

– Có tiền sử rung thất

– Từng bị nhồi máu cơ tim

– Khuyết tật tim bẩm sinh

– Bệnh cơ tim

– Chấn thương gây thiệt hại cho cơ tim, chẳng hạn như điện giật

– Sử dụng các loại chất gây nghiện, chẳng hạn như cocaine hoặc methamphetamine

– Rối loạn điện giải

Triệu chứng thường gặp của bệnh rung thất là gì?

Ngất xỉu là dấu hiệu phổ biến nhất của chứng rung thất. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng cảnh báo sớm như:

– Tức ngực

– Tim đập nhanh

– Chóng mặt

– Buồn nôn

– Khó thở

Nếu bạn hoặc ai đó có những dấu hiệu và triệu chứng trên, hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Người bệnh bị bất tỉnh cần được kiểm tra nhịp tim. Nếu tim không còn đập, thực hiện ngay kỹ thuật hồi sức tim phổi (CPR) để duy trì lượng máu đến các cơ quan quan trọng trong khi chờ cấp cứu.

Trong trường hợp không biết CPR, bạn chỉ cần ấn mạnh và nhanh vào ngực của người bệnh khoảng 100 lần/phút, cho phép ngực nâng lên hoàn toàn giữa hai lần ép.

Ngất xỉu là dấu hiệu phổ biến nhất của chứng rung thất
                                Ngất xỉu là dấu hiệu phổ biến nhất của chứng rung thất

Có những phương pháp nào được áp dụng để điều trị bệnh rung thất?

Rung thất là tình trạng đe dọa tính mạng nên việc điều trị thường được tiến hành trong các tình huống khẩn cấp. Phương pháp điều trị bệnh nhân rung thất tập trung vào phục hồi lưu lượng máu trong cơ thể càng nhanh càng tốt, mục tiêu là ngăn chặn thiệt hại cho não và các cơ quan khác.

Sau khi lưu lượng máu được phục hồi, các phương pháp điều trị khác sẽ được áp dụng để phòng ngừa cơn rung thất xảy ra trong tương lai.

  • Phương pháp điều trị khẩn cấp

– Hồi sức tim phổi (CPR): Giúp duy trì lưu lượng máu đi khắp cơ thể bằng cách “bắt chước” chuyển động bơm của tim. CPR có thể được thực hiện bởi bất cứ ai, kể cả các thành viên trong gia đình.

– Khử rung tim:Sốc điện qua thành ngực khi nhịp tim hỗn loạn hoặc tim ngừng đập, cho phép nhịp tim bình thường trở lại.

  • Ngăn ngừa cơn rung thất trong tương lai

Nếu rung thất xảy ra do sự thay đổi cấu trúc trong tim, chẳng hạn như có mô sẹo sau cơn nhồi máu cơ tim, người bệnh cần dùng thuốc hoặc phương pháp điều trị khác để phòng ngừa rung thất tái phát. Điều trị tùy chọn bao gồm:

– Thuốc: Bác sỹ sử dụng các loại thuốc chống loạn nhịp khác nhau, tùy theo trường hợp khẩn cấp hoặc điều trị lâu dài. Thuốc chẹn beta thường được sử dụng ở những người có nguy cơ rung thất hoặc ngừng tim đột ngột.

– Cấy tim máy khử rung tim (ICD): Khi tình trạng sức khỏe đã ổn định, người bệnh có thể được khuyến khích cấy máy khử rung tim. Nếu phát hiện nhịp tim nhanh thất hoặc rung thất, ICD sẽ tạo ra những cú sốc điện để thiết lập lại nhịp điệu bình thường cho tim.

–  Nong mạch vành, đặt stent mạch vành: Thủ tục này thường được dùng để điều trị bệnh động mạch vành nặng. Nong mạch vành giúp khơi thông động mạch vành bị chặn/tắc nghẽn, cho phép dòng máu chảy tự do. Nếu rung thất gây ra bởi cơn nhồi máu cơ tim, nong mạch vành và đặt stent có thể làm giảm nguy cơ rung thất trong tương lai.

– Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Một thủ tục để cải thiện lưu lượng máu là phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Phẫu thuật này nhằm tạo “cầu nối” qua đoạn mạch vành bị tắc hẹp, giúp cho máu lưu thông tốt hơn bằng con đường mới. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành giúp cải thiện lưu lượng máu đến tim và giảm nguy cơ rung thất.

Bên cạnh các phương pháp can thiệp y tế, người bị rung thất hoặc có nguy cơ cao mắc chứng bệnh này nên duy trì một lối sống lành mạnh, có lợi cho tim mạch. Bằng việc duy trì các thói quen tốt như tập thể dục thường xuyên, áp dụng chế độ ăn có lợi cho tim (nhiều rau, củ, quả, ít chất béo bão hòa, ít cholesterol…), không hút thuốc lá và kiểm tra sức khỏe thường xuyên, bạn có thể phòng ngừa được rung thất và nhiều bệnh tim mạch khác.

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *