Cảnh Báo Những Nhóm Thuốc Nguy Hiểm Nếu Ngưng Thuốc Đột Ngột

Việc sử dụng thuốc luôn có hai mặt. Thuốc ngoài tác dụng chính chữa bệnh thì còn có thể xuất hiện một số tác dụng phụ xảy ra do ngưng thuốc đột ngột.

Một số nhóm thuốc có thể gây nguy hiểm nếu ngưng thuốc đột ngột

Một số nhóm thuốc có thể gây nguy hiểm nếu ngưng thuốc đột ngột

Các rối loạn do ngưng dùng thuốc đột ngột dễ xảy ra khi người bệnh phải dùng thuốc điều trị bệnh mạn tính. Nếu bạn dùng thuốc đều đặn liên tục, triệu chứng bệnh sẽ được khống chế. Tuy nhiên, việc đột ngột bỏ thuốc sẽ làm các triệu chứng bệnh tái phát, thậm chí còn trầm trọng hơn trước.

Ngừng sử dụng một số loại thuốc đột ngột có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: Hội chứng cai thuốc, bệnh tái phát và tiến triển rầm rộ hơn,… Sau đây, Dược sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ cung cấp thông tin về 3 nhóm thuốc tiêu biểu nếu dừng thuốc đột ngột sẽ dẫn đến những tai hại khó lường.

  1. Corticoid toàn thân

Ở đây nghĩa là đề cập đến corticosteroid được uống hoặc tiêm có tác dụng toàn cơ thể. Nó không bao gồm corticosteroid được sử dụng tại chỗ ở mắt, tai, hoặc mũi, trên da hoặc đường hít, mặc dù một lượng nhỏ các corticosteroid này có thể được hấp thu vào cơ thể.

Corticosteroid tự nhiên, hydrocortisone và cortisone được sản xuất bởi phần ngoài của tuyến thượng thận được gọi là vỏ thượng thận. Corticosteroid được phân loại là:

Glucocorticoid (chống viêm) giúp ngăn chặn tình trạng viêm, phản ứng miễn dịch và hỗ trợ sự phân hủy chất béo , carbohydrate và protein

Mineralocorticoids (giữ muối) điều chỉnh sự cân bằng muối và nước trong cơ thể.

Corticosteroid tổng hợp bắt chước các cấu trúc của corticosteroids tự nhiên và có thể được sử dụng để thay thế corticosteroid ở những người có tuyến thượng thận không thể sản xuất đủ lượng corticosteroid. Tuy nhiên, chúng thường được sử dụng ở liều cao hơn thay thế để điều trị các bệnh miễn dịch, viêm hoặc mất cân bằng muối nước.

Một số loại corticosteroids tổng hợp như: bethamethasone, prednisone (Prednisone Intensol), prednisolone ( Orapred), triamcinolone (Aristospan Intra-Articular), methylprednisolone ( Medrol), dexamethasone ( Dexamethasone Intensol).

Một số tác dụng phụ, bạn có thể gặp khi ngưng thuốc Corticoid đột ngột là:

  • Đau bụng
  • Trầm cảm, lo âu
  • Giảm sự thèm ăn
  • Mệt mỏi
  • Đau nhức cơ bắp
  • Bệnh tiêu chảy
  • Chóng mặt
  • Nhức đầu
  • Đau khớp

Tuy nhiên, nguy hiểm nhất của việc ngưng thuốc corticoid đột ngột là hội chứng suy thượng thận cấp với các biểu hiện:

  • Hạ đường huyết
  • Hạ natri huyết
  • Tăng kali huyết
  • Toan chuyển hóa
  • Suy tuần hoàn ngoại vi, sốc

Thường gặp kèm theo: vã mồ hôi, mệt lả, chân tay lạnh, da nổi vân tím, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp hạ, dấu hiệu mất nước lâm sàng, nhịp thở nhanh, sâu, tinh thần kinh lơ mơ, ngủ gà, nếu không xử lý thời bệnh nhân sẽ đi vào hôn mê, tim loạn nhịp và tử vong nhanh chóng.

Do vậy, sau một đợt điều trị kéo dài bằng corticoid (>2 tuần) bệnh nhân phải tuân thủ phác đồ giảm liều dần sau đó mới dừng hẳn thuốc. Nếu bạn có thắc mắc gì về cách sử dụng thuốc cũng như tác dụng phụ khi ngưng thuốc thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ và dược sĩ.

Thuốc chống trầm cảm đều có khả năng gây ra hội chứng cai thuốc nếu ngừng hoặc giảm liều nhanh

Thuốc chống trầm cảm đều có khả năng gây ra hội chứng cai thuốc nếu ngừng hoặc giảm liều nhanh

  1. Thuốc chống trầm cảm

Các thuốc chống trầm cảm được chỉ định để điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu bao gồm hoảng sợ và ám ảnh xã hội, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn stress sau chấn thương. Có tới 2/3 số bệnh nhân bị trầm cảm nặng không đáp ứng với thuốc chống trầm cảm ban đầu của họ. Sau khi đảm bảo chẩn đoán chính xác, liều và thời gian dùng thuốc tối ưu, tuân thủ điều trị, bệnh nhân vẫn không có hiệu quả thì bệnh nhân được chỉ định đổi thuốc.

Việc ngừng một thuốc chống trầm cảm cũng được chỉ định sau một đợt điều trị trầm cảm đầy đủ – thường là 6 đến 9 tháng sau khi hồi phục từ một đợt điều trị đơn độc. Bệnh nặng mắc kèm, phụ nữ có thai và phẫu thuật cũng có thể là những lý do để ngừng điều trị thuốc chống trầm cảm. Có đến 1/3 số bệnh nhân ngừng thuốc chống trầm cảm ngay sau khi bắt đầu điều trị và chỉ một phần tuân thủ điều trị.

Ngừng thuốc chống trầm cảm

Nếu sử dụng thuốc trên 6 tuần, tất cả các thuốc chống trầm cảm đều có khả năng gây ra hội chứng cai thuốc nếu ngừng hoặc giảm liều nhanh (có thể trừ agomelatine). Điều này làm nhiều bệnh nhân ngộ nhận rằng thuốc chống trầm cảm gây nghiện. Trường hợp này không giống như lạm dụng và lệ thuộc thuốc gây nghiện hay ma túy. Các triệu chứng của hội chứng cai thuốc xảy ra với rất nhiều thuốc (như corticosteroid) khi sử dụng lâu dài.

Thông thường, thuốc chống trầm cảm được khuyến cáo giảm liều trong ít nhất 4 tuần. Tuy nhiên, việc ngừng thuốc đột ngột nhiều khi không thể tránh khỏi trên lâm sàng. Bên cạnh đó, thời gian giảm liều cũng phụ thuộc vào nguy cơ gặp hội chứng cai thuốc của từng bệnh nhân, yêu cầu của bệnh nhân và kinh nghiệm ngừng thuốc, và các đặc tính của thuốc chẳng hạn như thời gian bán thải.

Tiền sử hội chứng cai thuốc và lo lắng khi bắt đầu điều trị thuốc chống trầm cảm là những yếu tố dự báo các vấn đề ngừng thuốc trong tương lai. Một số bệnh nhân thấy ít khó chịu mặc dù ngừng thuốc đột ngột, trong khi những người khác bị ảnh hưởng nặng hơn. Với một số ít bệnh nhân, triệu chứng cai thuốc không giảm đi bằng cách kéo dài thời gian giảm liều. Những bệnh nhân này có thể muốn dừng thuốc nhanh chóng và rút ngắn thời gian ngừng thuốc. Nhiều người sẽ không có triệu chứng trong thời kỳ đầu ngừng thuốc (có thể xem xét giảm nhanh liều) nhưng phát triển những triệu chứng nghiêm trọng trong những giai đoạn sau (khi đó việc giảm liều có thể cần chậm hơn).

Triệu chứng cai thuốc

Các triệu chứng cai thuốc thường khởi phát trong vòng từ vài giờ đến vài ngày khi bắt đầu giảm liều, phụ thuộc vào đặc tính của từng thuốc cụ thể. Ngừng các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) và các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin noradrenaline (SNRIs) thường có xu hướng gây ra các triệu chứng giả cúm, buồn nôn, lơ mơ, chóng mặt, mất thăng bằng, cảm giác “điện giật”, lo lắng, khó chịu, mất ngủ và và “những giấc mơ tỉnh”. Những triệu chứng này có thể không xuất hiện trên một số bệnh nhân.

Một số triệu chứng có thể gặp khi ngưng đột ngột thuốc chống trầm cảm

Venlafaxine có liên quan đến những triệu chứng cai thuốc nghiêm trọng nhất. Paroxetine cũng gây khó chịu trong khi fluoxetine hiếm khi gây ra hội chứng cai thuốc (đặc biệt nếu liều dưới 40mg) do thời gian bán thải dài của tiền chất và chất chuyển hóa có hoạt tính (khoảng 7 ngày). Ngừng thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể gây buồn nôn, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, thờ ơ, lo lắng, mất ngủ, và “những giấc mơ tỉnh”(vivid dreams). Thuốc chống trầm cảm 3 vòng không có khả năng gây ra hội chứng cai thuốc với mức liều thấp khi dùng để giảm đau. Ngừng các thuốc ức chế chọn lọc monoamine oxidase (MAOIs) như tranylcypromine đặc biệt gây khó chịu. Nó thường gây ra kích động, dễ kích thích, rối loạn tâm trạng, mơ, suy giảm nhận thức và đôi khi gây rối loạn tâm thần và mê sảng.

Dừng các thuốc chống trầm cảm cũng có thể dẫn đến tái phát và làm nặng thêm bệnh tâm thần. Tái phát các triệu chứng trầm cảm (bao gồm cả ý nghĩ tự tử và tự hại bản thân) và tái phát các cơn hoảng loạn và lo lắng nghiêm trọng đều có thể xảy ra khi giảm liều và ngừng thuốc. Các tình trạng bệnh tiến triển có thể gây ra các hành vi đe dọa tính mạng với những bệnh nhân nguy cơ cao, do đó, việc ngừng thuốc chống trầm cảm phải là một quyết định cần cân nhắc cẩn thận bởi bệnh nhân hoặc thường là người nhà bệnh nhân sau khi đã được hiểu đầy đủ, và bác sĩ kê đơn.

Tuyển sinh đào tạo Dược sĩ Sài Gòn chuẩn Bộ y tế

Tuyển sinh đào tạo Dược sĩ Sài Gòn chuẩn Bộ y tế

  1. Thuốc chống động kinh

Thuốc chữa động kinh là những thuốc có khả năng loại trừ hoặc làm giảm tần số, mức độ trầm trọng của các cơn động kinh, hoặc các triệu chứng tâm thần kèm theo bệnh động kinh, mà không gây ngủ.

Cơn động kinh có thể tái phát khi bạn ngưng thuốc động kinh đột ngột

Các thuốc chữa động kinh có thể tác động theo một trong ba cơ chế sau:

  • Làm tăng dẫn truyền ức chế của hệ GABA – ergic.
  • Làm giảm dẫn truyền kích thích, thường là hệ glutamatergic.
  • Làm thay đổi sự dẫn truyền ion qua màng nơron do tác động trên kênh Na+ phụ thuộc điện thế, hoặc kênh Ca++ typ T.

Vì cơ chế bệnh sinh của động kinh chưa được hoàn toàn biết rõ cho nên các thuốc chữa động kinh chỉ ức chế được các triệu chứng của bệnh chứ không có tác dụng dự phòng và điều trị được bệnh. Thuốc phải được sử dụng lâu dài nên dễ có nhiều tác dụng không mong muốn. Do đó, trong quá trình điều trị với thuốc động kinh cần được giám sát nghiêm ngặt.

Ngưng thuốc chống động kinh

Vì thuốc có thể gây tình trạng lệ thuộc thuốc, nên bạn không được ngừng thuốc đột ngột. Do đó, khi muốn ngưng thuốc động kinh thì:

Phải giảm thuốc dần dần và không dừng thuốc đột ngột. Thường thì sẽ tiến hành ngừng thuốc sau 2 năm điều trị mà không thấy có một cơn động kinh nào tái diễn.

Trước khi ngừng hẳn thuốc phải có thời gian giảm liều từ từ, kéo dài trong khoảng 3 – 6 tháng. Nếu ngừng thuốc đột ngột sẽ gây động kinh tái diễn, động kinh xuất hiện mau hơn và cả động kinh kháng trị. Vì vậy không được dừng thuốc đột ngột. Khi giảm liều mà có cơn động kinh xuất hiện thì phải tiếp tục điều trị động kinh trong tối thiểu 2 năm tiếp theo tính từ thời điểm dùng lại này.

Khi thay thuốc cần phải có giai đoạn giao thoa, sử dụng đồng thời hai thuốc với chiến thuật: tăng dần liều thuốc mới và giảm dần liều thuốc cũ tiến tới chấm dứt hoàn toàn loại thuốc không hiệu quả này. Không được đột ngột thay thuốc mới hoàn toàn vì như vậy làm giảm nồng độ thuốc cũ rất nhanh và có nguy cơ cơ thể không đáp ứng với thuốc mới.

Cần làm gì để hạn chế tác dụng phụ khi ngưng thuốc?

Điều đầu tiên người bệnh phải tuân thủ chỉ định của thầy thuốc về liều lượng và thời gian dùng thuốc. Không được tự ý kéo dài thêm thời gian dùng thuốc hoặc đột ngột ngưng dùng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ điều trị.

Để hạn chế tác dụng phụ do ngưng dừng thuốc, biện pháp cần thiết nhất là giảm liều từ từ trước khi dừng hẳn để giúp cơ thể thích ứng dần dần với các hoạt động bình thường trước khi ngưng thuốc hoàn toàn, chứ không được đột ngột ngưng thuốc. Trong quá trình dùng thuốc và sau khi ngừng thuốc, cần theo dõi các phản ứng phụ, nếu thấy xuất hiện những rối loạn, những phản ứng bất thường trong cơ thể, cần đi khám bệnh ngay.

Trên đây là những thông tin cơ bản về những vấn đề có thể xảy ra khi ngưng một số thuốc đột ngột do nhóm Dược sĩ trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tổng hợp nhằm giúp người bệnh có cái nhìn tổng quát hơn về việc sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, những thông tin ở trên chỉ mang tính tham khảo không được dùng để thay thế chỉ định của bác sĩ, để biết chi tiết cách dùng, liều dùng của từng thuốc cụ thể bạn nên gọi điện trực tiếp với các bác sĩ hay dược sĩ của bạn để được tư vấn kỹ hơn.